Tính tới cuối năm 2015, lượng tiền gửi ở nước ngoài của người Việt gia tăng đột biến, lên mức 7,3 tỷ USD, trong khi các nhà băng lớn vẫn phải đi vay ngoại tệ của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Số liệu này được đưa ra trong Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VERP) công bố chiều 12/4.

Dẫn lại số liệu thống kê đến quý 3/2015, TS. Nguyễn Đức Thành- Giám đốc VERP cho biết, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) trong tháng 8. Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong quý 3/2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều.

Đáng chú ý, 2 cấu phần quan trọng nhất của các cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể.

Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.

Đáng nói, cùng thời điểm này trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại không có sự biến động quá lớn.

{keywords}

Lượng tiền gửi ở nước ngoài của người Việt tăng vọt lên 7,3 tỷ USD vào cuối năm 2015

“Đây là diễn biến bất thường”- ông Nguyễn Đức Thành nói và nhấn mạnh, “diễn biến bất thường này, một phần, có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng”.

Hệ quả, NHTM không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.

Trên cơ sở này, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới, do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm và hạn chế đối tượng vay vốn ngoại tệ.

“Việc đưa lãi suất huy động về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn. Do đó, phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Các NHTM sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho DN. Do đó, tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài”- ông Thành nêu.

Nhấn mạnh chủ trương chống đô la hoá là đúng, nhưng Giám đốc VERP nêu quan điểm, các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. “Chỉ khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài” – ông Thành chia sẻ.

Điểm đáng lo ngại nữa được ông Thành nêu ra, trong khi tiền gửi ra nước ngoài tăng mạnh, tới 7,3 tỷ USD thì các nhà băng lớn vẫn phải đi vay ngoại tệ của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhấn mạnh một lần nữa hiện tượng “mất cân bằng” trong cán cân thanh toán, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, dù đã rất công phu tách đô la Mỹ ra khỏi lưu thông, nhưng đồng USD lại đóng vai trò quan trọng đối với DN xuất nhập khẩu.

“Điều này đòi hỏi NHNN phải có giải pháp để tránh rối loạn thị trường, bằng cách hình thành thị trường mua bán USD một cách dễ dàng, thuận tiện” – ông Thành đề xuất.

Chốt lại, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, lạm phát sẽ là vấn đề đặt ra cho Chính phủ mới. Yếu tố của hội nhập chưa bùng nổ, nhưng dòng vốn bắt đầu “chảy” vào đang đẩy cầu tăng lên.

Chính sách tiền tệ phải thận trọng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% của năm nay có thể đẩy lạm phát. “Khi lạm phát “bùng lên”, chỉ khoảng 4-5%, thì sẽ khiến người dân mất niềm tin”- Giám đốc VERP lo lắng.

Theo Infonet