- Là "ông trùm" trong giới săn gỗ sưa đất Kinh Bắc, NMK gom gỗ sưa từ tất cả các nguồn có thể: mới - cũ, lớn - bé... Thế nhưng, đối với "ông trùm" này thì gỗ sưa đình chùa là một điều kiêng kỵ, rẻ cũng không đụng vào vì sợ quả báo.
Đôi khi, chỉ vì có được chiếc kệ thồ hàng bằng gỗ sưa, "ông trùm" này phải mua cả chiếc xe máy cà tàng của cặp vợ chồng nông dân. Trong bộ sưu tập của ông trùm còn có cả những chiếc tráp đựng sách của thầy đồ bằng gỗ sưa, hay chiếc bàn tính kiểu cũ của một tư thương thời trước. Thế nhưng, đối với ông thì gỗ sưa đình chùa là một điều kiêng kỵ, rẻ cũng không đụng vào vì sợ quả báo.
Sợ nhất gỗ đình chùa
Gần 40 tuổi đời, nhưng bắt đầu theo nghiệp gỗ từ năm 14 tuổi, N.M.K là một trong những cái tên mà khi nhắc đến, giới đồ cổ và giới gỗ sưa đều biết. Anh cũng có thể kể vanh vách những cái tên trong giới chuyên đi lùng gỗ sưa và những con đường săn tìm, mua và chuyển gỗ sưa về 'kinh đô' gỗ Bắc Ninh.
"Việc tìm đúng nơi, mua đúng chỗ, chỉ thuần túy là việc mua bán, chứ nhất định chúng tôi không mua đồ của đình, của chùa", "ông trùm" này tiết lộ.
"Vài năm trước, cũng ở ngay vùng ấy, tôi cũng "mua hụt" ba tạ sáu gỗ sưa. Mình trả giá hơn bốn tỷ nhưng người ta đòi cao, tôi giãn không mua nữa. Về sau mới biết, đó là gỗ dỡ từ chùa, liền kề với ngôi đình mà báo chí vừa giờ đưa tin rầm rộ. Thế mới biết số mình vẫn đỏ".
Không chỉ đối với N.M.K mà đối với những "ông trùm" gỗ sưa thì gỗ đình chùa là một điều kiêng kỵ phải tránh xa nếu không muốn gặp quả báo. Vì thế, mỗi khi đi mua gỗ sưa cũ, những người có kinh nghiệm luôn phải điều tra tìm hiểu kỹ. Không thể vì cái lợi, vì rẻ mà ham rồi rước họa vào thân. Gỗ đình chùa luôn lẩn khất một nỗi ám ảnh vô hình về quả báo truyền từ đời này qua đời khác trong giới buôn gỗ sưa.
Mẩu gỗ ngón tay giá triệu đồng
Giới thiệu về bộ sưu tập của mình, K cho tôi xem một miếng gỗ, nguyên là một chiếc ghế thồ hàng người ta vẫn gá sau yên xe máy.
Thế nhưng, nhìn sang yên xe, thấy chiếc ghế thồ hàng đúng là một tấm gỗ sưa, dù bụi bặm bẩn tưởi, nhưng K. vẫn nhanh chóng nhận ra. Mặt gỗ rộng chừng 15cm, dài chừng 20cm, dày chừng ba cái bảng học sinh, nhưng vân rất đẹp. K. tỷ tê hỏi chuyện, rồi cuối cùng, để mua được cái ghế thồ hàng, K. rút túi 15 triệu đồng... mua cả chiếc xe máy cũ, với lý do... sưu tầm xe cổ!
"Miếng ván này có thể làm một bức tranh tạc, hoặc làm một cái mặt đôn thì rất vừa vặn. Theo kinh nghiệm, để có miếng ván như thế này, cây sưa đó cũng có tuổi đời 60-70 năm".
K. còn chỉ cho tôi xem một đống tượng gỗ đã được chạm trổ tinh vi, được bày trong một chiếc tủ kính, với một câu phán xanh rờn: "Vào tay bọn tôi thì một miếng gỗ sưa nhỏ bằng cái bàn chải đánh răng cũng thành sản phẩm, và cũng lên được giá cả triệu đồng. Nếu anh có tiền, bọn tôi cũng tìm được cho anh cả một bộ... tràng kỷ bằng gỗ sưa nguyên khối".
Đáng ngạc nhiên hơn, trong số những món đồ mà K. đang sở hữu, có cả một chiếc tráp bằng gỗ sưa. Chiếc tráp này, rất có thể là của một ông thầy đồ hay một sỹ tử từ thời xa xưa cũ.
Mang cho tôi xem một chiếc bảng tính bằng gỗ, K. bảo: "Chiếc bảng tính này nguyên của một thương nhân người Tàu, họ sang Việt Nam rồi vào Sài Gòn sinh sống. Việc buôn bán, làm ăn của họ đều dùng đến chiếc bảng tính gỗ này".
K. quả quyết: "Những con gỗ tiện để làm viên tính, khung bảng tính với những vít sắt rất đẹp như thế này, chắc chắn do chính người Tàu họ làm. Họ trả tôi vài chục triệu đồng, nhưng tôi không bán. Giữ lại thì mới còn, chứ nếu bán đi thì chẳng bao giờ tìm lại được".
Thụy Châu