Đoạn clip với độ dài hơn 2 phút được cư dân mạng truyền nhau với hình ảnh trên mai một con cua đồng với nhung nhúc vắt ở bên trong. Những hình ảnh của đoạn clip khiến người xem không khỏi hoảng hốt về độ an toàn khi ăn cua hiện nay.
Cứ cua đồng là lành?
Xuyên suốt độ dài 2 phút của đoạn clip hình ảnh một con cua đồng đã chết, được tách đôi để lộ ra phần thịt và gạch cua ở bên trong. Tuy nhiên khi quan sát kỹ, người xem còn thấy bên trong thịt cua còn có rất nhiều sinh vật lạ khác.
Khi người quay clip lấy một chiếc que khều khều bên trong thịt cua thấy rất nhiều con vật giống như giun, sán. Theo lời của người làm clip trên đó là những con vắt, đặc biệt các loại cua đồng sống ở trong khe núi, thậm chí đìa, đồng đều chứa nhiều vắt, đĩa, giun sán... gây bệnh cho người.
Từ trước đến giờ, cua đồng luôn là món ăn yêu thích của các bà nội trợ, bởi nguyên liệu sạch, không phải cua nuôi nên rất an toàn, thịt cua ngọt, thơm. Hình ảnh nhung nhúc vắt bên trong cua đồng khiến cho nhiều bà nội trợ cảm thấy ‘kinh hãi’.
|
Rùng mình với cua đồng bán sẵn ngoài chợ
Món cua đồng được rất nhiều ngưởi yêu thích, nhất là khi thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, khi chế biến không đảm bảo vệ sinh thì sẽ gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, nhất là nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cấp.
Hiện nay, nắm bắt nhu cầu muốn được phục vụ “từ A tới Z” của khách hàng, hầu hết các bàn thịt, cua đều trang bị cho mình một chiếc máy xay nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng muốn có sản phẩm xay ngay tại chỗ, về nhà chỉ việc cho vào xoong chế biến.
Dạo quanh các chợ Cầu giấy, Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Kim Liên... theo quan sát của PV, hầu hết môi trường khu bán hải sản: tôm, cua, cá... xung quanh đều rất mất vệ sinh. Khi được hỏi thì người bán đều khẳng định cua nhà mình là cua đồng, vừa bắt ở dưới quê lên sạch ngon lắm.
Tại chợ Dịch Vọng, người mua chỉ cần đi đến khu làm cua đều ngửi mùi khó chịu, hôi thối xung quanh những hố nước tích tụ lâu ngày đầy rẫy bọ gậy, vi khuẩn gây bệnh. Cua thì được đổ vào thau cáu bẩn, người bán thả cua sống và cua chết cùng bùn đất với nhau.
Cua đồng xay sẵn liệu có đảm bảo vệ sinh?Cua đồng xay sẵn liệu có đảm bảo vệ sinh? |
Khi khách hàng chọn xong, người bán chỉ xóc cua qua nước vài lần, gạn bỏ nước rồi nhanh chóng bóc mai, lấy gạch và cho vào máy xay. Quan sát kỹ chậu nước dùng để rửa cua đục ngầu có thể trước đó đã rửa cua nhiều lần. Máy xay cua cáu bẩn, két đen từ nhiều lần xay trước đó không hề được che đậy. Người làm cua không đeo găng tay, người dính bùn đất, .... Chỉ cần chưa đầy 5 phút, khách hàng đã có món mua làm sẵn về chỉ việc cho vào nồi chế biến.
Công đoạn sơ chế theo quy trình tại chỗ, hạn chế nước rửa, rất mất vệ sinh. Trong khi, loại thực phẩm này phải được rửa nhiều lần mới hết bùn bẩn. Máy xay cua được người bán dùng hết lượt này đến lượt khác, lưu cữu qua ngày, với thời tiết ẩm ướt như hiện nay, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.Việc sơ chế cua không sạch sẽ mang mầm bệnh, vi khuẩn gây hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bản thân con cua chưa các loại sán, đỉa, đấc, vắt ở trong cũng gây hại không nhỏ đến sức khỏe nếu không được kiểm định, chọn lọc, chế biến kỹ lưỡng.
Đã có không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn không hợp vệ sinh mua ở chợ, sẽ bị đau bụng, rối loạn đường tiêu hóa, thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời có nguy cơ tử vong. Đó còn chưa kể rất khó có điều kiện biết được nguồn gốc của các loại thực phẩm.
Theo số liệu của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế thì trong năm 2011 toàn quốc ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.500 người mắc, trong đó hơn 80% phải đi viện. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính là vi sinh vật (gây ra 40 vụ, chiếm 28,1%) và độc tố tự nhiên (38 vụ, chiếm 26,8%)….
Câu chuyện về mất vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ còn tiếp diễn khi ý thức của người bán hàng không được nâng lên và người tiêu dùng thì vì tiếc thời gian công sức mà rước về bệnh tật bởi thức ăn sẵn không nguồn gốc và chế biến, bảo quản mất vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn cho gia đình mình những thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Theo Vietq)