Khá đông người tiêu dùng có xu hướng sử dụng tinh dầu để làm đẹp, thư giãn, cho vào thuốc lá điện tử (TLĐT). Với quảng cáo “chiết xuất 100% từ thiên nhiên”, ít ai ngờ tinh dầu được bày bán tràn lan trên thị trường tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong.
Tình dầu thuốc lá, làm đẹp... có đủ
Chúng tôi ghé một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM), nam thanh niên bán hàng vồn vã: “Ở đây có hai loại tinh dầu: dùng châm vào điếu TLĐT và tinh dầu shisha (tinh dầu chứa trong một ống dài khoảng 15cm, khi sử dụng chỉ cần ngậm ống, hút - PV), đều đồng giá 120.000đ”.
Lấy trong kệ ra một rổ đựng các loại tinh dầu, thanh niên này tư vấn: “Tụi em có hàng chục loại hương trái cây như đào, dâu, dứa, dưa hấu, bạc hà, nho, hoa quả tổng hợp... nhiều loại giống hương thuốc lá 555, Marlboro, Vinataba, Caraven A, Jet,... Sản phẩm được sản xuất với nguyên liệu đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu, không tạo ra các chất độc hại. Chúng giúp người hút cảm nhận được vị ngon của thuốc lá truyền thống mà không gây hại cho sức khỏe”.
Quan sát hộp tinh dầu chúng tôi nhận thấy, vỏ hộp chỉ có dòng chữ Redant, hình ảnh tẩu thuốc hoặc hình quả dưa, lá bạc hà (nếu đó là hương dưa hoặc bạc hà), không hề có mã vạch, nhãn phụ, tem,...
Riêng ống tinh dầu shisha có một đầu để hút và một đầu gắn đèn. Khi hút, đèn sẽ đỏ lên như lửa điếu thuốc. “Loại này giới teen đang chuộng lắm vì chỉ cần mua rồi hút được 600 hơi, không cần phải châm dầu vào dụng cụ. Sản phẩm chính hãng của Đức, được gia công tại Thái Lan”, người bán hàng nói. Chiếc ống có kích thước bằng ngón tay được “nổ” là hàng ngoại kia được phủ bằng lớp giấy hình hoa quả, trên giấy chỉ in duy nhất dòng chữ “Made in Germany”, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm.
Tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), chúng tôi cũ ng được giới thiệu thêm hàng loạt thương hiệu tinh dầu TLĐT như Liqua, Bud, Ono Kine, Jakson Vape, Hkangsen,... Các sản phẩm này đều được quảng cáo sản xuất từ Ý, Pháp, Thái Lan... nhưng trên vỏ lọ chỉ có miếng giấy nhỏ in tiếng Anh.
Đường Học Lạc (Q.5) được mệnh danh là “thủ phủ” thuốc lá. Chúng tôi đến một cửa hàng bán thuốc lá, người đàn ông đang ngồi thu tiền hỏi: “Mua gì?”.
Nghe chúng tôi muốn tìm hiểu các loại tinh dầu để hút TLĐT, người đàn ông này ra vẻ khó chịu: “Hương cam, dâu, thơm, nho... chọn loại nào tui lấy loại đó, đồng giá 150.000đ/chai”. Nói rồi, ông lấy ra một chai nắp trắng, có nước màu nâu, trên vỏ chai dán miếng giấy nhỏ, ghi dòng chữ “Golden Lime 24mg”.
Sau đó, người này lôi tiếp một chai tương tự có nước màu trắng, thông tin trên vỏ chai “giàu” hơn chai trước vì có dòng chữ tiếng Việt “dung dịch sử dụng cho TLĐT, hương vải 24mg”.
Trong “rừng” tinh dầu dùng để dưỡng da, chăm sóc cơ thể, xông phòng bày bán tràn lan ở các tiệm tạp hóa, chợ, siêu thị, không ít loại tinh dầu được giới thiệu có công dụng trị bệnh.
Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), chúng tôi được nhân viên tư vấn: “Mùa này là cao điểm của sốt, cúm, nên mua tinh dầu tràm về xông hoặc hít vì có khả năng chữa trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn, nấm”.
Không chỉ khẳng định sản phẩm chiết xuất 100% từ thiên nhiên, người bán còn giới thiệu nhiều loại tinh dầu có công dụng trị bệnh rất “thần kỳ”: “Nếu bị liệt dương và trầm cảm, muốn nâng cao đời sống vợ chồng thì sử dụng tinh dầu hoa nhài, ngọc lan tây; nếu hay đau đầu, mất ngủ, giảm huyết áp thì dùng tinh dầu oải hương; chống thâm da do sẹo để lại, muốn se khít lỗ chân lông, trắng da thì dùng tinh dầu hoa hồng; muốn diệt côn trùng trong phòng, giảm đau cơ thì dùng tinh dầu sả chanh…”.
Có nhiều tạp chất độc hại
Theo TS Huỳnh Khánh Duy - khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các thành phần của tinh dầu TLĐT có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp. Nếu có nguồn gốc tổng hợp thì tùy thuộc vào công nghệ tổng hợp mà các thành phần này có thể chứa các tạp chất độc hại khác nhau.
Những tạp chất có thể trực tiếp gây độc hoặc dưới tác dụng của nhiệt độ mà chuyển hóa thành các chất độc hại khác. Một trong những tạp chất có thể kể là nitrosamine, có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, thành phần glycerol và propylen glycol dưới tác dụng của nhiệt độ có thể chuyển hóa thành formaldehyde, được xem là một hóa chất gây ung thư mạnh, đặc biệt là ung thư vùng mũi - họng.
Các thành phần trong tinh dầu khi được đốt cháy có thể sinh ra hơn 4.000 hóa chất khác nhau. Các thành phần có trong tinh dầu cũng có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc ở một số người mẫn cảm.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Phòng khám Tuệ Lãn TP.HCM), trong Đông y có phương thức hương thơm trị liệu, chỉ cần nhỏ một giọt tinh dầu, hương thơm bay khắp phòng cũng giúp cơ thể sả ng khoái, bình tâm trở lại.
Tuy nhiên, nếu cơ thể đang có bệnh, cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, chữa trị phù hợp. Riêng với những trường hợp bị hen suyễn, mắc các bệnh về hô hấp, viêm xoang, dị ứng tinh dầu,... nên cẩn thận vì mùi hương càng thơm, càng nồng thì cà ng có thể kích thích cơn hen tiến triển. Ở trẻ sơ sinh, nếu dị ứng với mùi hương tinh dầu có thể gây tử vong do co thắt đường thở.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)