Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh, rồi ở lại, kinh doanh từ 20 năm trước, nay đã có một vài cửa hàng lớn ở Warszawa (Thủ đô Ba Lan), nhưng ông A.V đã mang phần lớn vốn đầu tư về Việt Nam, chủ yếu... buôn đất. Đến thời điểm này, ông gần như đã đem toàn bộ vốn liếng về mua đất, khách sạn tại Việt Nam, chủ yếu là huyện đảo Phú Quốc.
Việt Kiều làm giàu ở... Việt Nam
A.V trở về Việt Nam để đầu tư, sau gần 10 năm ở Ba Lan. Khi đó, ông cũng đã có một Công ty với chuỗi cửa hàng bách hóa ở Warszawa và có một số vốn tương đối khá, chừng 40 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng chính thời điểm, việc kinh doanh ở Warszawa trở lên khó khăn, và nghe theo lời bạn bè, người thân ở Việt Nam, ông mang tiền về mua vài mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội.
Ở thời điểm đó, rất nhanh chóng, chỉ sau 2-3 năm giá đất ở các khu vực ông mua đều tăng rất nhanh, gấp 5-10 lần giá gốc. Sau khi thu lời lớn, tiếp tục tìm hiểu thị trường các nơi, ông quyết định dành phần lớn vốn đầu tư mua đất ở Phú Quốc, mặc dù ở thời điểm đó, gần như chưa có thông tin gì về khả năng Phú Quốc có thể trở thành đặc khu kinh tế. Và để làm được việc này, ông có cả hộ chiếu Ba Lan và hộ chiếu Việt Nam.
Các dự án ở Phú Quốc đang mọc lên như nấm sau mưa. |
Theo anh P.C, một người đại diện, quản lý của ông A.V tại Phú Quốc, ông A.V đã mua một khu 5.000 m2 làm khách sạn, 4-5 khu đất khác, mỗi nơi 1-2 công đất (1 công bằng 1000 m2), với giá cách đây 7 năm, chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng/công. Nhưng cho đến thời điểm này, giá đất ở hầu hết các khu vực dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực, đường 30/4... và một số bãi đất mà người thuê anh P.C đã mua đã lên tới mức giá khủng khiếp: 15-20 tỷ đồng/công.
"Có mảnh ông A.V mua, mới xây tòa nhà lớn trên đó 2 năm trước, tổng cộng chi phí có 38 tỷ đồng, cả tiền đất và công xây, ngay sau đó có người trả gần 40 tỷ đồng nhưng ông ấy không bán, để cho thuê làm khách sạn", anh P.C cho biết.
Chờ ngày lên đặc khu kinh tế
P.C hiện nay không còn làm quản lý cho ông A.V, anh đã trở về Hà Nội mở cửa hàng riêng nhưng vẫn theo dõi tình hình giá đất ở Phú Quốc.
Trao đổi với Dân trí, anh nói: "Giá đất tăng đến mức như hiện nay thật điên rồ. Nhưng quả thật, khi tôi còn ở đó 2 năm trước, tôi mách cho nhiều bạn tôi ở Hà Nội mua, có những mảnh bé thôi nhưng ở vị trí khá đẹp, 100-200 m khi đó còn có giá 500-700 triệu đồng, họ đều không mua. Nhưng nay đã lên tới mấy tỷ đồng thì ai cũng tiếc".
Giá đất Phú Quốc leo thang, tranh chấp và nạn bảo kê đất đai cũng gia tăng |
"Như ông A.V, người quen của tôi, ông ấy nhìn ra giá trị đất ở Phú Quốc từ rất sớm và gần như sau này, dành toàn bộ nguồn lực của mình, bán cả cửa hàng bên Vác-xa-va (Warszawa) để lấy tiền mua đất, thì hiện nay, ông ấy sở hữu khối tài sản rất lớn ở Việt Nam, có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng và hơn nữa mà ông ấy hầu như chưa bán gì cả. Ông V ấy, ông ấy tính toán khiếp lắm, nếu chưa đạt tới mức giá kỳ vọng, ông ấy không bao giờ bán", anh P.C cho biết thêm.
Nhưng ông A.V không phải là Việt kiều duy nhất trúng quá đậm nhờ đầu tư vào Phú Quốc. Từ nhiều năm nay, có không ít người là Việt kiều ở các nước về đổ tiền đầu tư mua nhà, đất ở Phú Quốc, hoặc đứng tên (nếu có cả hộ chiếu Việt Nam), hoặc nhờ bạn bè, người thân đứng tên. Nhưng có thể nói, đây cũng là một nguồn lực đầu tư đáng kể góp phần khiến thị trường nhà đất ở Phú Quốc nóng bỏng trong thời gian qua.
Cơn "sốt" đất ở Phú Quốc có vẻ như chưa dừng lại, nhất là khi thông tin về khả năng Phú Quốc sẽ trở thành một đặc khu kinh tế trong tương lai ngày càng nhiều hơn. Ở một số khu vực nóng: Dọc các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, đường 30/4,... người ta vẫn mua đi, bán lại với giá rất cao các mảnh đất tầm từ vài trăm đến vài ngàn m2. Các dạng biệt thự xây sẵn được chào bán giá 15-20 tỷ đồng/căn, các khách sạn mini được chào bán 100-300 tỷ đồng.
Các resort nhỏ, Bungalow... đang mọc lên như nấm, giá đất tiếp tục tăng chóng mặt lên trên dưới 20 tỷ đồng/1 công (1.000 m2), trong khi trước đó đã ở mức rất cao: 12-13 tỷ đồng/công. Những nhà đầu tư vào Phú Quốc từ sớm, trong đó có những Việt kiều như ông A.V có thể nói, đã trở thành tỷ phú nhờ sớm đánh giá đúng và bỏ vốn đầu tư lớn vào miền đất này.
(Theo Dân trí)
Đất nền thanh lý 'siêu rẻ' có phải món hời?
Hoạt động buôn bán đất nền tại TP HCM gần đây lại nở rộ. Không chỉ dán giấy, phát tờ rơi quảng cáo mà người bán còn thường xuyên "dội bom" tin nhắn vào điện thoại của khách hàng.
Đất nền tỉnh - ‘điểm nóng’ đầu tư 2018
Giới chuyên gia bất động sản (BĐS) tin rằng, thị trường đất nền tỉnh sẽ là ‘điểm nóng’ đầu tư trong năm 2018. Bởi lẽ, những thị trường này mặt bằng giá đất vẫn còn thấp và dư địa tăng cao.
Vì sao giá đất nền tăng phi mã từ Bắc vào Nam?
Từ Cần Thơ đến Nha Trang, Đà Nẵng và miền Bắc là Hà Nội, Hải Dương, giá đất nền đang tăng chóng mặt. Tại sao có hiện tượng này?