Thị trường bán lẻ Việt lại dậy sóng với hàng loạt đại gia nội ngoại không muốn chậm chân, tung tiền ngàn tỷ vào cuộc chơi để mở rộng quy mô, mở rộng thị phần trong một lĩnh vực được đánh giá rất tiềm năng thời hội nhập.

Cuộc đua vào hồi gay cấn

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua mức ngân sách dành cho hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) mới là 2,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức 500 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên vừa thông qua vài tháng trước đó.

Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động đã có hành động rất nhanh ngay sau khi chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói về kế hoạch đầu tư với số tiền khủng để mua các chuỗi điện máy và dược phẩm.

{keywords}
Nền kinh tế hơn 90 triệu dân Việt Nam hấp dẫn đại gia bán lẻ thế giới.

Số tiền dự kiến sẽ được huy động từ vốn vay, phát hành trái phiếu, phần lợi nhuận chưa phân phối. Bên cạnh đó, MWG cũng trình cổ đông việc phát hành riêng lẻ 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương 2,18% vốn cổ phần lưu hành của công ty.

Trước đó, theo Bloomberg, ông lớn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cùng với cổ đông ngoại Warburg Pincus cũng đang tính chào bán lượng cổ phiếu trị giá 600 triệu USD thông qua IPO tại thị trường trong nước để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cho mảng bán lẻ Vincom Retail.

Vincom Retail hiện đứng thứ 10 trong danh sách các ông lớn bán lẻ tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đang quản lý 40 trung tâm thương mại tại 21 tỉnh thành trên cả nước, chiếm khoảng 60% thị phần mặt bằng kênh bán lẻ hiện đại.

Quy mô của Vincom Retail có thể sẽ mở rộng đáng kể với nhiều dự án lớn đang triển khai, trong đó có Vincom D' Capitale với cả trăm ngàn mét vuông mặt sàn thương mại.

Nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài cũng đang tiếp tục chạy đua để tăng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang đẩy mạnh rót vốn vào lĩnh vực được đánh giá còn rất tiềm năng này.

Tập đoàn AEON của Nhật đã công bố vị trí cụ thể để xây dựng đại siêu thị thứ 2 tại Hà Nội, nằm trên khu đất gần 10ha tại quận Hà Đông. Dự kiến đây sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

Đại gia Lotte của Hàn Quốc đang hoàn tất thủ tục để mua lại dự án Ciputra Hanoi Mall để tăng cường hoạt động bán lẻ của mình tại Việt Nam. Hiện tại, Lotte đã có một trung tâm thương mại lớn trên đường Đào Tấn và cũng đã ôm cả 4 tầng khu thương mại 229 Tây Sơn tại tòa tháp Mipec Tower.

Trong năm ngoái, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều hoạt động thâu tóm mảng bán lẻ của các tập đoàn đến từ Thái Lan nhắm tới Big C và Metro.

Không muốn chậm chân: Thị trường dậy sóng

Thị trường phân phối và bán lẻ Việt Nam đã được nhiều đại gia trong và ngoài nước chú ý nhưng chưa thực sự sôi sục như gần đây. Cuộc chạy đua nắm giữ thị trường bán lẻ gần 100 triệu dân bắt đầu nóng lên sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 600 triệu dân hình thành vào cuối năm 2015. Giới đầu tư đã chứng kiến một cuộc đổi chủ ngoạn mục tại Big C và Metro Cash & Carry (Đức) sang tay các đại gia người Thái.

{keywords}
Dòng tiền ngàn tỷ đang đổ vào bán lẻ.

Sự xuất hiện của các ông lớn như AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) cùng với sự lớn mạnh của Vingroup cùng với một số mảng bán lẻ chuyên ngành như Thế giới Di động, Trần Anh,... khiến cuộc chạy đua trở nên gay cấn.

Trong năm 2016, giới đầu tư chứng kiến cú bứt phá mạnh doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài. Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu hơn 2 tỷ USD, vượt Co.op Mart thành số 1 bán lẻ Việt Nam. MWG cũng công bố kế hoạch xuất ngoại sang các thị trường như Campuchia, Myanmar,...

Trước đó, MWG đã từng gây sốc với thành tích 3 ngày/siêu thị, rồi 2 ngày mở 2 siêu thị. Trong năm 2015, DN này mở thêm gần 270 siêu thị. Năm 2016, chuỗi siêu thị đã vượt con số 1.000 cửa hàng.

Nhìn vào thị trường bán lẻ thời điểm hiện tại có thể thấy, cuộc đua giờ dường như chỉ còn dành cho các ông lớn. Ở mảng siêu thị có Co.op Mart, Vincom Retail của Việt Nam, Big C Metro của người Thái, AEON của Nhật và Lotte của Hàn. Ở mảng điện máy có MWG, Media Mart,... Không ít doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc đua giữa các đại gia giờ đây có lẽ cũng không còn là: dồn tiền, lấy lợi nhuận tích lũy để mở cửa hàng, thay vào đó là dòng tiền trăm triệu USD của các nhà đầu tư ngoại rót trực tiếp vào. Các doanh nghiệp Việt cũng đã phải tính đường huy động nhiều ngàn tỷ để thực hiện M&A lớn mạnh nhanh chóng. Xu hướng M&A là tất yếu sau thời gian thị trường phát triển theo chiều rộng.

Vài ngày gần đây, thị trường chứng khoán sôi sục với tin đồn MWG thâu tóm chuỗi bán lẻ điện máy Trần Anh (TAG). Cổ phiếu TAG của ông Trần Xuân Kiên tăng trần 3 phiên liên tiếp sau tuyên bố đầu tư ngàn tỷ của MWG và kế hoạch ý kiến cổ đông về việc "Thông qua kế hoạch phát triển của công ty năm 2017 và một số nội dung khác" của TAG.

Cú M&A giữa MWG và TAG nếu là sự thực sẽ giúp doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài nâng thị phần mảng điện máy lên khoảng gấp 2 lần và trở thành đối thủ đáng gờm của nhà bán lẻ từng là một trên thị trường điện máy: Nguyễn Kim, vốn được Central Group của tỷ phú Thái thâu tóm hồi năm 2015 với hơn 100 triệu USD.

Việc mở rộng quy mô, mở rộng thị trường và ngành nghề cũng là cách mà các doanh nghiệp bán lẻ lớn có thể trì tốc độ tăng trưởng. Sau điện máy, điện thoại, trong thời gian tới thị trường có thể chứng kiến sự bùng nổ các chuỗi thời trang, ăn uống, dược phẩm lớn. Thị trường cũng sẽ cân bằng hơn với giữa các đại gia trong nước với đại gia đến từ các nước Nhật, Hàn, Thái.

V. Hà