Đánh giá về việc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khi 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm (với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm) cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia...

Một số ngành khác, không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị. Tuy nhiên, việc Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện cũng như việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững.

Theo ông Trần Tuấn Anh, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Sở hữu trí tuệ hay mua sắm công cũng là những lĩnh vực Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác.

Điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ. Đây là những sức ép nhưng khi thực thi, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm sẽ được cải thiện và nâng cao hơn nữa. Còn về phía doanh nghiệp, việc chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của doanh nghiệp mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công.

Đánh giá tác động của CPTPP của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% nhờ những thỏa thuận trong CPTPP.

Theo hiệp định này, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi. Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí có nước như Canada, Nhật Bản dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%.

{keywords}
Công nhân trong giờ làm việc tại một công ty may mặc Hà Nội

Không chủ động sẽ phải trả giá

Về những tác động của CPTPP đối với Việt Nam, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Chile, Hiệp định CPTPP sẽ cho phép hơn ba nghìn sản phẩm Chile với ưu đãi thuế mới vào các thị trường quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, hiệp định mở ra cho các công ty của Chile và nhiều doanh nghiệp ở các nước thành viên khác có thể tham gia vào quá trình đấu thầu công cộng ở nước ngoài hay ở Việt Nam đồng thời thực hiện các chính sách khuyến khích nội địa hoá các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Cùng đó, CPTPP có tất cả các lợi ích để tiếp cận thị trường bên ngoài của TPP trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ giúp cải tiến việc nhập khẩu các sản phẩm Chile vào Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Canada. Cụ thể, các nhà sản xuất Chile cũng sẽ có cơ hội lớn hơn xuất khẩu rượu vang sang Malaysia, các sản phẩm nông nghiệp sang Việt Nam, hoặc các sản phẩm gia cầm và sữa vào Canada.

Trong đánh giá về tác động của CPTPP, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Chile cũng cho thấy, một ngành công nghiệp khác có thể hưởng lợi từ CPTPP là ngành công nghiệp rượu vang khi được được đánh giá đây là một cơ hội thú vị để tiến vào “các thị trường mới nổi” như Việt Nam và Malaysia.

“Ở Việt Nam, mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người đã tăng 70% kể từ năm 2005. Chúng ta đang nói về một đất nước với khoảng 100 triệu dân. Điều tương tự đang xảy ra ở Malaysia với một tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng đang lựa chọn rượu vang như là biểu tượng tinh tế và đẳng cấp”, Hiệp hội Rượu vang Chile cho biết.

Ở chiều ngược lại, theo đánh giá, về mặt kinh tế, điều mà Việt Nam được hưởng lợi lớn đó là được tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và được tiếp cận những thị trường như Canada, Mexico, Chile và Peru, những nước mà hiện Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại. Hiệp định CPTPP cũng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, bên cạnh cơ hội mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, cũng có không ít thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp mà còn đối với người dân. Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.

Lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nền kinh tế thành viên diễn ra tại Khách sạn Crowne Plaza tại thủ đô Santiago của Chile vào chiều 8/3 giờ địa phương, tức rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam. Sau lễ ký kết, CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ sau 60 ngày kể từ khi được Quốc hội của ít nhất sáu nước thành viên thông qua.

Hiệp định CPTPP có 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng. Trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới chương sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến chương mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.

(Theo Tiền phong)