Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) và doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã cùng bán đi các dự án mà họ tâm huyết gầy dựng và được hy vọng như là chiếc 'máy in tiền' trong tương lai. Các DN quyết dứt nợ để thoát gánh nặng, tính toán chu kỳ làm ăn mới.
Bán dự án tâm huyết
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà ông Nguyễn Quốc Cường vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 cho thấy, doanh nghiệp này đã nhận số tiền tạm ứng 50 triệu USD từ CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) để tất toán nợ vay với BIDV Quang Trung.
Đây là số tiền tạm ứng mà Quốc Cường Gia Lai nhận để bán dự án Phước Kiển cho Sunny Island, một dự án đã từng được kỳ vọng là “máy in tiền” sẽ mang về doanh thu hơn 500 triệu USD và lợi nhuận lên tới 7,4 ngàn tỷ đồng cho tập đoàn nhà mẹ con bà Nguyễn Thị Như Loan. Việc mua bán dự kiến hoàn tất trong năm tài chính 2017.
Ông Đoàn Nguyên Đức. |
Dự án có khu đất vàng tại huyện Nhà Bè, TP.HCM này hiện đang chiếm hơn 4,3 ngàn tỷ đồng hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai.
Đây là một dự án tâm huyết của doanh nghiệp của bà chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan và con trai Nguyễn Quốc Cường. Nhiều lần trên Facebook, đại gia phố núi Nguyễn Quốc Cường đã giới thiệu về dự án trọng điểm của QCG.
Dự án Phước Kiển là một khu ốc đảo của huyện Nhà Bè, nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, tiếp giáp với quận 7, cách trung tâm quận 1 khoảng 4 km, cách Phú Mỹ Hưng khoảng 1 km về hướng tây, gần đó có trường học, bệnh viện Pháp Việt. Nơi đây được kỳ vọng sẽ xây dựng thành khu thương mại, hành chính y tế, khu biệt thự nhà vườn, nhà liền kề và chung cư cao tầng.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cũng vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy tập đoàn này đã bán toàn bộ mảng mía đường cho một đối tác để nhằm giảm áp lực nợ.
Mảng mía đường của HAGL bao gồm: nhà máy đường, một nhà máy điện nhỏ và vùng trồng với diện tích 6.000ha.
Theo báo cáo, HAGL đang tiến hành các thủ tục pháp lý để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng, bán giao các chức vụ quản lý chủ chốt của CTCP Mía đường HAGL và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu cùng với quyền vận hành, quản lý kinh doanh đối với nhà máy đường, nông trường trồng mía và các tài sản liên quan cho đối tác.
HAGL cũng đang đàm phán để bán một số tài sản khác, trong đó có các nhà máy điện.
Dứt nợ để hồi phục
Trong vài năm gần đây, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã chuyển trọng tâm sang nông nghiệp, trong đó có cao su, mía đường và nuôi bò. Tuy nhiên, khối nợ nần quá lớn cùng với sự thiếu hụt dòng tiền khiến HAGL đã phải đàm phán tái cơ cấu nợ với các ngân hàng trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Cường. |
Với thương vụ bán mảng mía đường, HAGL của Bầu Đức có thể thu về tới cả trăm triệu USD. Nếu việc bán các tài sản khác, bao gồm các nhà máy điện, bất động sản tại Myanmar, thậm chí cả một phần của mảng cao su, gánh nặng nợ doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức sẽ giảm đi rất nhiều.
Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2016 cho thấy, khối nợ HAGL tổng cộng lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Hầu như toàn bộ các tài sản có giá trị của tập đoàn này cũng như của vợ chồng Bầu Đức đều được đem ra thế chấp cho các khoản vay ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cũng vừa công bố quyết định đưa cổ phiếu CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức vào diện cảnh báo do mỗi DN lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2016.
Tuy nhiên, sau các nỗ lực bán tài sản và cầm cố tài sản, doanh nghiệp của Bầu Đức đã có dấu hiệu bớt khó khăn. Cổ phiếu HAG của HAGL đã tăng khá mạnh trong 3 tháng vừa qua, từ mức 7.000 đồng lên hơn 9.000 đồng/cp.
Kỳ vọng từ hoạt động tái cơ cấu sau khi doanh nghiệp bán được tài sản, các ngân hàng đồng ý giãn nợ, các trái chủ hoán đổi trái phiếu và giá cao su phục hồi,... đã giúp các cổ phiếu nhà Bầu Đức tăng giá nhanh.
Quốc Cường Gia Lai của nhà ông Nguyễn Quốc Cường cũng có những chuyển biến rất tích cực. Cổ phiếu QCG đã tăng gần gấp 3 lần trong gần một tháng qua. Doanh nghiệp này gần đây đã hoàn tất việc thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi vay lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Quyết định bán dự án Phước Kiển đã giúp Quốc Cường Gia Lai thoát khỏi tình cảnh tiến thoái lưỡng nan với dự án trọng điểm này. Việc bán Phước Kiển đã đem về cho Quốc Cường Gia Lai một khoản tiền lớn, giảm gánh nặng vay nợ.
Cơ hội hồi phục với Quốc Cường Gia Lai và Hoàng Anh Gia Lai là rất lớn. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo, vốn đã mắc khá nhiều sai lầm. Mức độ tăng giá của các cổ phiếu này gần đây cũng quá nhanh. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán và một phần không nhỏ đổ vào các cổ phiếu nóng này có thể mang tới rủi ro lớn.
H. Tú