- Với các phân tích hiệu quả kinh tế có thể thấy, cánh cửa cơ hội mà TPP mang lại cho dệt may rất rộng. Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức lớn. Để có thể hưởng lợi, thực sự không phải dễ dàng.

Dệt may hưởng lợi nhiều nhất

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không chỉ là một FTA, với quy định bao trùm nhiều vấn đề trên diện rộng, TPP còn được biết đến là một FTA chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay và có ảnh hưởng tới quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam với mức độ cao hơn và đặc thù so với các FTA đã ký kết.

Theo tính toán, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Tại ngành dệt may, các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng quần áo dệt may và da giầy sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Đặc biệt, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật.

Theo Bộ Công Thương, dệt may sẽ là ngành hưởng lợi nhiều nhất do hiện tại thuế suất vào thị trường các nước TPP mà Việt Nam chưa ký FTA đang ở mức khá cao, như Hoa Kỳ (17,5%), Canada (17%), Mexico (30%), Peru (17%). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể tăng 30 - 40% ngay trong năm đầu tiên và sau khoảng 3 - 4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi. Dự kiến, kim ngạch sẽ đạt 16 tỷ USD ngay năm 2018 (tăng 3 tỷ USD) và tới năm 2020 sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (tăng thêm 5,5 tỷ USD). Đi cùng với tăng trưởng kim ngạch như dự kiến, có thể tạo thêm hàng triệu việc làm mới.

{keywords}

Cánh cửa cơ hội mà TPP mang lại cho dệt may rất rộng

Ngoài ra, sau khi gia nhập TPP, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các DN dệt may Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn, chuyển dịch nguồn cung sang các nước trong TPP, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan. Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số DN dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.

Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Vietgo - đơn vị chuyên tư vấn xuất khẩu cho DN cho rằng: “Khi vào TPP, các mặt hàng được hưởng lợi nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết như dệt may hay nông sản. Đối với nông sản có các “rào cản” như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi hàng dệt may gần như không có “hàng rào” nào”.

"Nông sản phải thay đổi cơ cấu, cấu trúc từ khâu làm đất cho tới công nghệ nhưng dệt may thì lại rất đơn giản vì đang có “sóng”. Dệt may cũng có lợi thế do đi theo kênh riêng và khi gắn tính chất thương hiệu, thương mại vào thì có thể đẩy giá lên rất cao”. ông Việt nhấn mạnh

Cửa thì rộng nhưng…

Cánh cửa cơ hội mà TPP mang lại cho ngành dệt may rất rộng. Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức cũng lớn và để có thể hưởng lợi thực sự không phải là dễ dàng.

{keywords}

Cánh cửa cơ hội mà TPP mang lại cho ngành dệt may rất rộng nhưng song hành với đó là những thách thức lớn.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là phần nguyên phụ liệu. Hiện, nguyên liệu bông trong nước chỉ cung cấp được từ 1 - 3% cho sản xuất sợi. Còn nguyên liệu vải chỉ cung cấp được từ 20 - 25% cho ngành may nội địa và xuất khẩu. Có đến 70% nguyên phụ liệu của ngành là hàng nhập khẩu, trong đó đa phần nhập khẩu từ những nước chưa ký kết TPP như Trung Quốc.

TS. Trần Thị Minh Hương (Đại học Kinh tế Quốc dân) từng nhìn nhận: “Thách thức lớn nhất với dệt may Việt Nam là về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” phải có nguồn gốc từ các nước TPP. Theo đó, hầu như chẳng có sản phẩm dệt may nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bởi ngành dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công: Vải nhập từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các phụ kiện chủ yếu từ một số nước Đông Nam Á...”.

Một khó khăn nữa là đội ngũ thiết kế ngành dệt may Việt Nam còn mỏng và thiếu. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để chuẩn bị cho việc tham gia hiệp định TPP, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị cho mình nguồn lực mạnh, từ chất lượng sản phẩm cạnh tranh, đến đội ngũ nhân viên thiết kế, quản trị… phải chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Vietgo cũng cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu ở Việt Nam là 2 - 5 tỷ USD nhưng bản chất lợi nhuận lại rất ít, chỉ khoảng 200 triệu USD. Để mất nguồn lợi nhuận đó là do các DN Việt Nam thường chỉ muốn nhận làm một khâu thành phẩm còn đâu là chờ người ta mang nguyên liệu đến. Đây chính là điểm yếu mà các DN Việt Nam hay mắc phải – lười sáng tạo và chưa có sự say mê với nghề khiến giá thành sản phẩm thường bị “ép”, hơn nữa không nhận được các đơn hàng lớn trực tiếp từ các hãng”.

“Tiếp nữa, cần phải nói là về thủ tục xuất khẩu, do có các rào cản nên hầu hết các DN Việt Nam ngại làm, bỏ tiền ra thuê công ty vận tải làm hết cho. Cách tổ chức xuất khẩu hiện nay của các ông chủ DN thực tế nhưng lười và trì trệ khiến đáng lẽ ra có thể lãi 2 USD thì lại chỉ chấp nhận lãi 2 cent, tức là bằng 1/10. Trong khi đó, các công ty trung gian hoặc tay thầu Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan ăn lãi gấp 10 lần DN sản xuất của mình”, ông Việt nói.

Từ thực tế kết nối xuất khẩu với khách hàng quốc tế, các chuyên gai Vietgo cho tằng: “Chúng ta cứ hô hào thúc đẩy kinh tế phải giảm thuế nhưng nếu không điều chỉnh quy trình sản xuất thì giảm thuế cũng sẽ không có ý nghĩa nhiều. Nói các hãng “ăn dầy” cũng không hẳn vì ngoài giá trị thương hiệu, còn có một khoản lớn dành cho đối tượng trung gian. Thực tế, DN Việt Nam làm với các nước như Pháp, Mỹ, Đức thì lợi nhuận mới cao còn khách Trung Quốc, Mã Lai, Hồng Kông thì toàn là trung gian cho khách ngoại quốc, họ nhận 10 USD thì chỉ mua của DN mình 2 - 3 USD thôi”.

Mạnh Phan