Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định thương mại thế hệ mới. Các điều khoản của nó không chỉ bó buộc lại trong các vấn đề thương mại hàng hóa mà còn tham vọng hơn, nhằm viết lại luật chơi thương mại toàn cầu bằng tự do hóa thương mại dịch vụ và dịch vụ tài chính, thúc đẩy luân chuyển dòng vốn và lao động. Lĩnh vực đầu tư được đưa vào trong một chương của Hiệp định với những điều khoản về đối xử giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa. Điều này sẽ có những tác động không nhỏ tới doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay.

Đương đầu với những gã khổng lồ

Về tình hình hoạt động, doanh nghiệp tư nhân hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ chủ yếu trong số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Theo số liệu từ cuộc Tổng Điều tra doanh nghiệp năm 2013, có đến 75% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân và TNHH tư nhân.

Mặc dù chiếm số lượng lớn, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ và đang chịu lép vế so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng lao động tại mỗi doanh nghiệp này chỉ đạt khoảng 14,4 lao động, thấp hơn nhiều so với con số gần 300 lao động tại mỗi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến năm 2013, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 2,7% số doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, có đến hơn 3 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp này, chiếm tới 26,4% số lượng lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Một số tiêu chí khác về quy mô vốn và doanh thu cũng đều cho thấy rằng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang áp đảo các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Về nguồn lực, nguồn vốn tư bản trung bình của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vốn trung bình của toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đạt xấp xỉ 50 tỷ đồng còn doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 11,9 tỷ đồng (Hình 1).

Thực tế cũng cho thấy rằng những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 của Tổng cục Thống kê cho biết có tới 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Phần lớn trong số này là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo điều kiện sàng lọc những doanh nghiệp kém hiệu quả bằng những doanh nghiệp chất lượng cao hơn, từ đó mở rộng quy mô vốn đầu tư. Cũng trong năm 2014, có khoảng 22800 doanh nghiệp mở rộng quy mô vốn với sô vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 tỷ đồng.

{keywords}

Hình 1: So sánh một số chỉ tiêu giữa DN tư nhân và DN FDI năm 2013 (tỷ đồng/doanh nghiệp). Nguồn: Tính toán từ số liệu bộ Điều tra doanh nghiệp năm 2013

Tương tự, tài sản cố định và vốn đầu tư dài hạn của khối doanh nghiệp FDI cao gấp hơn 30 lần so với khối doanh nghiệp tư nhân, đạt 138,8 tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2013. Trong khi tài sản cố định trung bình toàn bộ doanh nghiệp chỉ đạt xấp xỉ trên 20 tỷ đồng. Trên khía cạnh hoạt động, doanh thu thuần của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt mức cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nội địa, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có lợi thế rất lớn về quy mô so với doanh nghiệp tư nhân trong nước, không chỉ về vốn đầu tư mà còn cả trên khía cạnh hoạt động.

Doanh nghiệp tư nhân có ngán TPP?

Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, đang phải bước vào cuộc chơi TPP với một thế yếu hơn rất nhiều.

Vậy cuộc chơi này sẽ diến biến như nào khi TPP bắt đầu có hiệu lực? Mục A chương 9 của bản Toàn văn Hiệp định TPP quy định rõ quy tắc đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài từ các nước TPP và nhà đầu tư nội địa là như nhau. Đồng thời, các ưu đãi đối với nhà đầu tư đến từ các nước TPP không được kém hơn so với ưu đãi dành cho nhà đầu tư đến từ các nước TPP khác hay các nước ngoài TPP.

Ngoài ra, TPP cũng đưa ra những quy định loại bỏ các ràng buộc liên quan tới tự do hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như yêu cầu về hàm lượng nội địa; lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Ví dụ, điều 9.9 mục A quy định “cấm các thành viên đưa ra cho nhà đầu tư nước ngoài những yêu cầu về thực hiện như yêu cầu về hàm lượng nội địa hay nội địa hóa công nghệ.”

Như vậy, sau khi TPP được thực thi, các doanh nghiệp có vốn FDI về cơ bản sẽ được hoạt động và đối xử tương tự doanh nghiệp nội địa. Với một nước vẫn đang còn có những lợi thế về nhân công dồi dào, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là đích đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khối các nước TPP.

Trong khảo sát các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 DN lớn nhất Việt Nam) được Vietnam Report thực hiện tháng 11/2015, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đều chọn ra ba yếu tố cần cải thiện nhất để có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khối TPP đó là Chất lượng sản phẩm và dịch vụ (tỷ lệ trả lời 28,32%); Giá thành sản phẩm/Dịch vụ (19,47%) và Chất lượng nguồn nhân lực (19,47%)

{keywords}

Kết quả điều tra khảo sát các DN trong BXH VNR500 11/2015-Vietnam Report

Nhớ lại cách đây 7 năm, sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục gia nhập WTO, số dự án và vốn FDI đăng ký đã tăng đột biết trong năm 2008. Cùng lúc đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu lan rộng đã khiến số vốn thực tế không được như mong đợi. Làn sóng đầu tư giai đoạn đó chưa thực sự mạnh đến mức các doanh nghiệp trong nước phải lo lắng như hiện nay.

Với những thỏa thuận đã được công bố, TPP thực sự sẽ mang lại làn sóng đầu tư manh mẽ vào Việt Nam trong thời gian tới, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn trong cuộc cạnh tranh về quy mô so với khối doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong thời gian qua, khi mà đang có sự tự sàng lọc các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn có những cơ hội để mở rộng quy mô vốn và phát triển.

Ngày 12/01/2016, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet sẽ chính thức tổ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm ghi nhận những Doanh nghiệp không chỉ đạt được những thành tựu to lớn trong kết quả kinh doanh mà còn có những đóng góp to lớn cho cộng đồng và xã hội.


Nguyễn Thanh Tùng
Viện Ngiên cứu kinh tế và chính sách