Nhiều khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại của thế kỷ 21 - sẽ đổ vỡ. Các chuyên gia lo ngại việc từ bỏ TPP sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ trong khi tạo ra cơ hội lớn cho Trung Quốc giành lại vị thế và khẳng định vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á.
Cú sốc cuối năm
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa đưa ra một tuyên bố cho biết một trong những việc đầu tiên ông sẽ làm ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 tới là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đây là điều mà lãnh đạo nhiều nước và giới quan sát thị trường cũng như các nhà đầu tư lo ngại, sau khi ông Trump trúng cử tổng thống. Theo Reuters, ông Trump tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình, rằng, TPP là "thảm họa tiềm ẩn với nước Mỹ".
Trước đó, ông Trump cũng đã bổ nhiệm một số nhân sự cao cấp trong nội các với đa số là các gương mặt bảo thủ và theo chiều hướng cứng rắn - một động thái cho thấy, rất có thể ông Trump sẽ thực hiện những chính sách mà ông đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, bao gồm cả việc bảo hộ thương mại.
Ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP. |
Quyết định sốc của ông Trump được đưa ra ngay sau khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 21 nước (bao gồm cả Mỹ mà đại diện là tổng thống đương nhiệm Obama) vừa kết thúc tại thủ đô Lima của Peru cuối tuần qua. Nó chẳng khác gì "một cái tát" vào chiến thắng của ông Trump: không ủng hộ lập trường bảo hộ tự do thương mại.
TPP với sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ quốc hội các nước thành viên phê chuẩn sau khi được các chính phủ ký kết vào tháng 2/2016, sau hơn 5 năm đàm phán.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, khả năng tan vỡ là rất cao bởi để có hiệu lực TPP phải được ít nhất 6 nước với GDP chiếm 85% của các thành viên thông qua. Với quy mô của nước Mỹ, chỉ cần quốc hội Mỹ (do Đảng Cộng hòa của ông Trump thắng thế ở cả 2 viện) không thông qua, TPP sẽ tan vỡ.
Như vậy, kỳ vọng về một hiệp định với tư duy mở cửa chưa từng có, một hiệp định thế hệ mới vốn đã giúp triển vọng của nhiều nước sáng sủa hơn - rất có thể sẽ tan thành mây khói. Một thị trường gồm 12 nước thành viên có “chất lượng cao” với vai trò đầu tàu của Mỹ (không có Trung Quốc) sẽ bị đóng băng và rất khó đàm phán lại.
RCEP dẫn đầu bởi Trung Quốc được coi là sự thay thế hoàn hảo cho TPP. (Nguồn: Ezlaw) |
TPP đổ vỡ: Dắt tay nhau về với Trung Quốc
Không chỉ TPP, gần đây, giới đầu tư cũng lo lắng về số phận của Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ và Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi NAFTA và cũng sẽ dựng lên một hàng rào thuế quan nhắm vào Mexico.
Trên nhiều tờ báo của Mỹ, các chuyên gia lo ngại việc từ bỏ TPP sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ trong khi tạo ra cơ hội lớn cho Trung Quốc giành lại vị thế và khẳng định vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á.
Hội nghị APEC vừa qua cũng đã chứng kiến một sự thay đổi chưa từng có. Đó là sự mờ nhạt của nước Mỹ và sự nổi bật của Trung Quốc.
Tại hội nghị này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước chấp nhận sự cở mở về kinh tế và phải “dốc sức xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung”. TPP không còn phải là chủ đề chính, thay vào đó là là thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 nền kinh tế, trong đó có ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc nhưng không có Mỹ.
Chủ nghĩa dân túy có thể mang đến lợi thế bất ngờ cho Trung Quốc. |
Tờ New York Times thừa nhận, RCEP nhận được sự chú ý của các lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, từ Peru, Australia cho tới Malaysia,... Đại diện Úc thậm chí công khai khả năng làm việc với Trung Quốc để mở ra các cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại và tăng cường đầu tư.
Trước đó, TPP được xem là quân bài chiến lược trong việc khẳng định vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đối trọng với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Nếu TPP không được thông qua, Trung Quốc sẽ có thể chủ động viết các quy tắc thương mại cho thế kỷ 21, thúc đẩy các sáng kiến tự do thương mại trong khu vực cả toàn diện, song và đa phương.
Ngay tại diễn đàn APEC, ông Tập Cận Bình đã có hàng loạt các cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Ecuador, Peru và Chile, với mục tiêu không gì khác là tiếp cận khu vực sân sau của Mỹ: Mỹ Latinh. Hiện Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực này.
Theo Bloomberg, Trung Quốc cũng vừa nhất trí cùng Nga thúc đẩy một khu vực thương mại tự do mới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Với Việt Nam, lãnh đạo nhiều DN cho hay họ không quá lo ngại về việc Mỹ rút khỏi TPP, bởi chỉ có khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Hơn thế, với thái độ cứng rắn với Trung Quốc, nhiều khả năng Mỹ sẽ không áp thuế cao đối với hàng hóa từ Việt Nam. Các DN có quy mô xuất khẩu lớn sang Mỹ cũng đã tính tới phương án B, tìm kiếm thị trương thay thế.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Nhân, một chuyên gia chứng khoán, khi đó, thương mại thế giới sẽ thay đổi khó lường, mọi thứ sẽ không đi theo quỹ đạo mà các nước tính toán.
V. Minh