Hàng ngàn điều kiện kinh doanh đang hạn chế sự phát triển của DN. đánh mất nhiều cơ hội đầu tư. Một ví dụ tưởng như là nghịch lý khó tin đã được nêu ra tại một hội thảo về điều kiện kinh doang ngày 14/5 ở Hà Nội: Việc giới hạn tỷ lệ từ 10-20% số học sinh Việt Nam trong các trường phổ thông theo chương trình nước ngoài khiến nhiều học sinh Việt Nam đã phải xin nhập quốc tịch Lào, Campuchia để đủ điều kiện học trường quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo "Điều kiện kinh doanh: nhận diện và kiến nghị", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, sau khi Luật Đầu tư được ban hành, các Bộ ngành vẫn “vô tư” ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.

Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư, tuy nhiên, trong số này có gần 3.000 điều kiện được ban hành không đúng thẩm quyền.

Đặc biệt là các Bộ, ngành đang thực hiện "nâng cấp" các điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan soạn thảo vẫn chưa tách bạch các điều kiện đầu tư kinh doanh với các quy định về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, xét về bản chất rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn như cũ, ông Lộc nói.

{keywords}
Nghị định 19 của Chính phủ đang gây khó khăn lớn, lãng phí hàng chục tỷ đồng đối với các DN kinh doanh gas quy mô nhỏ, ở vùng sâu vùng xa.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhìn nhận, chất lượng các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh rất đáng quan ngại. Hầu hết các nghị định liên quan đang được soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn. Các Bộ không có thời gian tổ chức lấy ý kiến, nhiều dự thảo không được cập nhật công khai trên các trang thông tin điện tử.

Đại diện cho các DN nhỏ kinh doanh Gas khu vực miền núi phía Bắc, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng (Hà Giang), phản ánh về Nghị định 19 của Chính phủ (ban hành ngày 22/3) về kinh doanh khí, đang gây khó khăn lớn, lãng phí hàng chục tỷ đồng đối với các DN kinh doanh gas quy mô nhỏ, ở vùng sâu vùng xa.

Một số ý kiến đề cũng cập đến Dự thảo nghị định về kinh doanh mũ bảo hiểm, do Bộ KH&CN soạn thảo, đang được lấy ý kiến rộng rãi. Đây thực chất là nâng các quy định hiện hành, đang nằm trong các thông tư, lên cấp nghị định. Nếu không nâng lên nghị định thì các điều kiện này sẽ bị vô hiệu vì Luật Đầu tư không cho phép điều kiện kinh doanh nằm ở dưới nghị định.

Tuy nhiên, nhân dịp này, cơ quan soạn thảo đặt thêm một vài quy định mới, điều kiện kinh doanh mới. Chẳng hạn, thêm điều kiện kinh doanh là DN phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của mình hoặc đồng sở hữu với các tổ chức, cá nhân khác và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức, cá nhân kinh doanh mũ bảo hiểm.

Thỏa mãn điều kiện này thì DN mới được cấp phép sản xuất mũ bảo hiểm. Nói cách khác, DN phải bán mũ “ảo” trước rồi mới có thể được sản xuất mũ “thật” sau. Bởi, khi xây dựng hệ thống đại lý hoặc ký các hợp đồng tiêu thụ, DN chưa có giấy phép sản xuất, chưa có cái mũ thật nào cả. Một điều kiện ảo như thế nếu được ban hành thì sẽ dẫn đến hàng loạt hợp đồng mua bán, tiêu thụ mũ ảo. Những hợp đồng, cửa hàng, đại lý này cũng chỉ vẽ trên giấy mà thôi, mang tính đối phó để có được giấy phép sản xuất mũ bảo hiểm.

Đánh nhau với 'cối xay gió'

Ông Đỗ Quốc Bình, đại diện Hội Taxi Hà Nội, cho rằng, DN hiện nay quá khổ, suốt ngày cứ loay hoay với các điều kiện kinh doanh, không khác gì đánh nhau với "cối xay gió". Luật DN quy định, DN được tự chủ kinh doanh, được tự lựa chọn hình thức kinh doanh. UBND các địa phương không được phép ban hành các điều kiện kinh doanh. 

{keywords}

Theo quy định mới, nhiều DN lại phải ra tỉnh ngoài đăng ký kinh doanh taxi rồi đưa xe về Hà Nội chạy (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng tại các địa phương chỉ thị, quyết định to hơn luật. Chẳng hạn, tại Hà Nội từ 2010 đã tạm dừng cấp phép đăng ký mới với taxi, khiến cho nhiều DN lại phải ra tỉnh ngoài đăng ký kinh doanh taxi rồi đưa xe về Hà Nội chạy. Điều này hạn chế hoạt động của DN.

“Các DN kinh doanh taxi tại Hà Nội hiện nay không khác gì một người bị trói cả 2 chân 2 tay, chỉ còn mỗi cái đầu lắc lư được”. ông Bình ví von.

Ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, thuộc Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF), nhận xét, nhiều điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài đến nay không còn phù hợp thực tế.

Thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng có rất nhiều điều kiện hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục phổ thông, được quy định trong Nghị định số 73/2012. Việc giới hạn tỷ lệ từ 10-20% số học sinh Việt Nam trong các trường phổ thông theo chương trình nước ngoài khiến nhiều học sinh Việt Nam đã phải xin nhập quốc tịch Lào, Campuchia để đủ điều kiện học trường quốc tế tại Việt Nam.

Theo ông Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, suốt 16 năm qua theo dõi thấy các điều kiện kinh doanh ban hành trái luật rất nhiều và không hề giảm. Có quy định rất rõ ràng là UBND địa phương, Bộ ngành không được ban hành các điều kiện kinh doanh cũng bị vi phạm. Việc giao các Bộ ngành quy định chi tiết về các điều kiện kinh doanh hiện đang trái luật.

Với cách làm này, nguy cơ thời gian tới lại "bùng nổ" và rối tung các điều kiện kinh doanh, khiến DN khó tránh khỏi khó khăn vướng mắc.

Trần Thủy