GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS), Nhật Bản đã phải thốt lên: “Ở Việt Nam, vấn đề là có quá nhiều hội thảo, hội nghị, báo cáo... và quá ít hành động”.
Năm 2017 qua đi với nhiều niềm hứng khởi. Hứng khởi không chỉ đến từ các con số thống kê khô khan, mà thấy rõ nét trong các tín hiệu thị trường, từ bất động sản, ngân hàng, đến chứng khoán,... Đã đến lúc Việt Nam nghĩ đến vị thế “con hổ kinh tế mới” của châu Á?
Làm sao Việt Nam có thể trở thành “con hổ kinh tế mới” khi mà các tiềm năng, lợi thế của chúng ta đang bị bỏ quên - đó là câu hỏi được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị tổng kết của Bộ KH-ĐT mới đây.
Trở thành “con hổ kinh tế mới” không chỉ là khát vọng của riêng người đứng đầu Chính phủ, mà còn là khát vọng của mỗi người dân Việt Nam.
Mấy chục năm sau đổi mới, kinh tế Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm, lúc lên đỉnh, lúc chật vật dưới đáy với những cơn khủng hoảng. Niềm vui gặt hái được đôi khi “ngắn chẳng tày gang” bởi những trồi sụt bất thường của nền kinh tế.
Đến nay, giấc mơ Việt Nam “hóa hổ”, “hóa rồng” vẫn chỉ là giấc mơ cháy bỏng. Vì sao?
Kinh tế Việt Nam đang vươn mình trỗi dậy. |
GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS), Nhật Bản, khi trả lời phỏng vấn báo chí đã phải thốt lên: “Ở Việt Nam, vấn đề là có quá nhiều hội thảo, hội nghị, báo cáo,... và quá ít hành động”.
Đơn cử như vấn đề thúc đẩy tăng năng suất lao động, GS Kenichi Ohno thấy rằng các thảo luận “đều rất chung chung, không đi vào cụ thể”. “Tình hình tăng cao năng suất lao động ở Việt Nam rất lo ngại. 10 năm qua năng suất lao động không thay đổi mấy. Tăng trưởng giảm do năng suất lao động thấp”, GS Kenichi Ohno thẳng thắn.
Còn GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, từng dẫn câu chuyện của Nhật Bản 60 năm trước và đánh giá “60 năm trước Nhật giống Việt Nam, cả về cơ chế nguồn nhân lực, cơ cấu GDP, xuất khẩu rất tương đồng. Nhưng trong 20 năm, Nhật Bản đã thay đổi toàn diện thành nước công nghiệp hiện đại”.
Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam khi từng đi qua đau thương của những cuộc chiến. Nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc đã nhanh chóng bỏ lại quá khứ để xây dựng lên một quốc gia hùng mạnh. Việt Nam phải làm gì để “đổi đời”, để phận đi sau, tụt hậu không trở thành vận mệnh?
Kinh tế Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi thời gian tới. |
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã liệt kê một loạt “vấn đề nội tại cố hữu” của kinh tế Việt Nam mà nếu vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ “vẫn là lực cản đối với nền kinh tế”.
Đó là năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.
Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.
“Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy,hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN đang thực hiện trong thời gian qua”, VEPR khuyến nghị.
Những điều VEPR “bắt bệnh” cũng đã được nhiều chuyên gia cũng như Chính phủ nắm rõ. Vấn đề là hành động. Bởi như lời GS Kenichi Ohno đã cảm thán ở trên, Việt Nam còn “quá ít hành động”.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 thì “hành động” là một trong số đó, bên cạnh “kỷ cương”, “liêm chính”, “sáng tạo”, “hiệu quả”.
“Hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% - một con số vừa phải sau khi đạt được mức tăng trưởng 6,81% của năm 2017.
TS Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) đã dự báo kinh tế năm 2018 chỉ đạt mức tăng trưởng 6,58%.
Còn Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng cả năm 2018 ở mức 6,65%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 6,5%.
Có thể thấy ngoài ngân hàng ANZ dự báo kinh tế Việt Nam 6,8% thì các dự báo khác đều khá thận trọng.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2018.
Kịch bản trung bình – là kịch bản NCIC đánh giá có nhiều khả năng xảy ra nhất là tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%.
Kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 4,2% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.
Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được là tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, và lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.
Hà Duy