-  Càng cãi vã, càng lộ rõ quản lý quá yếu, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, GS. TSKH Phạm Hồng Giang bình luận với Góc nhìn thẳng vụ tranh cãi thuỷ điện Hố Hô xả lũ gây ngập lớn trong trận lũ lụt miền Trung vừa diễn ra.

Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng

Thủy điện xả nước ngay trong lũ gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh là vấn đề đã được nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên những ngày gần đây, vấn đề này tiếp tục nóng trở lại khi cơn lũ ở miền Trung vừa diễn ra với việc thuỷ điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước.

Ngày 17/10, một đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã vào Hà Tĩnh để điều tra vụ xả lũ trên.

Để góp thêm một góc nhìn về câu chuyện này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã mời GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam để bàn luận, mổ xẻ thêm.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa GS, nói về phát triển thuỷ điện ở Việt Nam, đang có hai luồng ý kiến rất khác biệt. Một bên cho rằng, thuỷ điện là nguồn năng lượng sạch, rẻ, an toàn, nên phát triển tốt. Nhưng một bên cho rằng, thủy điện chính là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn về người và của mỗi khi xả lũ đúng vào dịp mưa lũ. Vậy, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Không phải riêng nước ta, trên thế giới đều đánh giá, thuỷ điện là năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo. Vì vậy, việc phát triển thuỷ điện cũng là việc cần thiết. Trên thế giới, ở nơi nào có điều kiện phát triển thuỷ năng thì đều tận dụng cả.

Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy rằng, cái lỗi chính của chúng ta là đã phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa một cách ồ ạt. Chúng ta đã thiếu quản lý tốt về quy hoạch, về khảo sát, về xây dựng, về vận hành và thiếu giám sát một cách đầy đủ, kịp thời. Chính vì vậy mới gây ra tình trạng này.

Phần lớn, thuỷ điện nhỏ là do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, với vốn không lớn. Họ đổ tiền vào làm và làm một cách ồ ạt. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền lại quản lý chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Có thể, một phần do thiếu trách nhiệm, một phần do thiếu hiểu biết.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong quá trình phát triển thuỷ điện, luôn có câu chuyện tranh cãi về việc quy trình xả nước như thế nào, xả vào thời điểm nào, mức xả bao nhiêu cho phù hợp. Việc vận hành dường như lúng túng. Theo ông, việc vận hành này cần có giải pháp thế nào cho phù hợp nhất?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Có thể nói, nếu chúng ta làm một cách nghiêm túc, đúng theo các yêu cầu để đảm bảo sử dụng nguồn nước hài hoà, từ khâu khâu quy hoạch lẽ ra chúng ta đã phải làm tốt.  

Tức là, lẽ ra, chúng ta đã phải khảo sát rất kỹ, có đề cập đến các tất cả các tình huống như khi phải xả lưu lượng lớn về hạ du thì phải có bản đồ vùng ngập lụt. Những chỗ có nguy cơ ngập lụt lớn nhất thì phải có giải pháp cùng với người dân giải quyết, trong đó, kể cả việc di dời.

{keywords}
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN
đang trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet)

Khi vận hành thuỷ điện và xả lũ, quy trình của chúng ta phải rất nghiêm túc, nghiêm khắc. Bởi các ông chủ nhà máy thuỷ điện bao giờ cũng muốn giữ một mực nước trong hồ cao, nhưng trong mùa lũ thì không thể giữ mức nước hồ cao như vậy, phải hạn mức nước trong hồ xuống thấp trước khi lũ về. Muốn hạ mức nước hồ một cách kịp thời, chuẩn xác thì phải có những dự báo tốt, dự báo sớm.

Tất cả những điều đó phải được quy định để người chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện phải tuân theo. Và các cấp quản lý phải giám sát rất chặt chẽ, phải có người thường xuyên trực tiếp giám sát nhà máy thuỷ điện vận hành trong mùa lũ. Đó là việc mà chúng ta đáng lẽ phải làm nhưng đến giờ, chúng ta chưa làm được.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông có thấy rằng, rất nhiều vụ việc xả lũ xảy ra, các bên như chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện thường đổ lỗi cho nhau. Gần đây, như ở trường hợp thuỷ điện Hố Hô cũng vậy, theo ông, chính quyền địa phương cần có vai trò chủ động như thế nào?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Có thể nói, việc này không phải đã diễn ra lần đầu, đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đến bây giờ, cũng không biết là lỗi tại ai? Nhà máy bảo rằng, tôi làm đúng quy trình. Đúng quy trình tức là khi anh nhận được thông báo phải hạ thấp mức nước hồ, thực tế anh có hạ không? 

Địa phương thì nói rằng, nhà máy xả nước không đúng. Thế thì, tôi cho rằng, việc cãi vã nhau như thế này, rõ ràng hthể hiện chúng ta có những lỗ hổng nhất định trong quy trình và có những lỗ hổng nhất định trong việc giám sát.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhìn tổng thể về "công" và "tội" của thủy điện thời gian qua ở nước ta, ông đánh giá ra sao về hiệu quả của việc phát triển thuỷ điện? Một số ý kiến cho rằng, các nhà máy thủy điện nhỏ, công suất thấp, hiệu quả kinh tế không lớn nhưng mỗi khi có mưa lũ xảy ra thì chính các nhà máy này là nguyên nhân chính gây thiệt hại lớn về người và của? Ông nghĩ thế nào về điều này?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang: Thuỷ điện cần đầu tư ban đầu, sau đó khi vận hành, không tốn kém gì. Chỉ việc đo đồng hồ điện rồi sau đó, thu tiền thôi. Thế nhưng, ban đầu, có thể người ta đầu tư, vẽ ra dự án hay, vay được ngân hàng. Vay xong rồi, nếu có khó khăn, không trả nợ được ngân hàng thì đã có Nhà nước, thành nợ xấu của Nhà nước. 

Đó là mặt trái của thuỷ điện nhỏ và động cơ làm thuỷ điện nhỏ vừa qua là như vậy. Thực ra, nếu các doanh nghiệp đó phát triển, làm tốt thì sẽ là tốt chung cho cả nước. Chỉ có điều, chúng ta quản lý yếu quá nên luôn xảy ra các tình huống như vậy.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền- Hữu Khôi

Clip: Bạt Tuấn- Xuân Quý- Huy Phúc

Tin khác: