Tham nhũng, sách nhiễu từ các cán bộ, công chức Nhà nước đã khiến DN mất đi những cơ hội và lợi nhuận của mình. Mất cơ hội kinh doanh, hiệu quả không đạt được và kết quả là doanh nghiệp cứ lẹt đẹt mãi.

Sợ bị nhũng nhiễu

Một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho biết: "Các DN Việt Nam không hề sợ cạnh tranh, kể cả đương đầu với các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Tài trí của doanh nhân Việt không phải không có, nhưng chúng tôi không khiếp sợ sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nắm quyền hành".

Tại một hội thảo gần đây, TS. Lê Đăng Doanh đã kể 2 câu chuyện nói lên sự khốn khổ của DN khi bị nhũng nhiễu. Đó là một khách sạn tại Hà Nội, trong thư chúc mừng năm mới của một cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương gửi tới có kèm theo danh sách đề nghị DN mừng tuổi 35 cán bộ của cơ quan này. Đến mùa hè, DN này lại nhận tiếp đề nghị tài trợ tiền cho cán bộ cơ quan trên đi nghỉ mát.

{keywords}

DN Việt Nam không hề sợ cạnh tranh, kể cả đương đầu với các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới.

Chuyện thứ 2, khi đến công tác tại một tỉnh, ông được một chủ tịch huyện mời đi ăn tối. Tiệc gần tàn thì vài DN được triệu đến, họ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Sau cùng, ông chủ tịch huyện nói điều cần nói là... nhờ họ thanh toán.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, dẫn nghiên cứu của cơ quan này cho thấy, có tới 65% DN cho biết bị nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính. Chi phí không chính thức của DN cũng tăng lên. Năm 2013, một nửa số DN khảo sát cho biết phải trả chi phí không chính thức, thì tới 2014 con số này tăng lên 64% và năm 2015 là 66%.

Hơn 11% số DN tham gia khảo sát điều tra năm 2015 cho biết, các khoản chi không chính thức chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ.

Nỗi sợ hãi nhất của DN còn là vấn nạn thanh tra, kiểm tra. Phản ánh về VCCI, có DN cho biết một tháng tiếp tới 5 đoàn thanh kiểm tra, có DN một năm tiếp đến 20 đoàn thanh, kiểm tra các loại. 

Tiến sỹ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng, hơn 10 năm qua, tiềm lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đang giảm đi.

Từ trước đến nay gần như 99% số DNNVV "lớn lên" là do tự thân vận động, đâu có sự hỗ trợ nào. Họ chỉ mong làm sao cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp thừa hành đừng quấy nhiễu, gây khó khăn cản trở, làm mất cơ hội làm ăn kinh doanh là tốt lắm rồi.

Sự sách nhiễu đã khiến nhiều DN không muốn mình lớn nữa, bởi càng lớn và càng phát triển thì sẽ càng bị để ý, bị kiểm tra nhiều. Đây là lý do mà một số DN cứ truyền nhau câu nói cửa miệng “khôn xây trại, dại xây nhà", tức không mong phát triển lớn mạnh, chỉ làm ăn nhỏ lẻ đỡ bị phiền nhiễu. 

{keywords}

Sự sách nhiễu đã khiến nhiều DN không muốn mình lớn nữa.

Đầu tàu kinh tế là công chức?

Mới đây, VCCI đã kết hợp với Đại sứ quán Anh quốc xây dựng Bộ Công cụ phòng ngừa tham nhũng dành cho DNNVV. Cùng với đó là tiến hành các khóa tập huấn cho các DN.

Điều đáng lo ngại là nhiều DN không tự tin và không tham gia. Nhiều chủ DN bày tỏ nghi ngại về khả năng phòng chống tham nhũng hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để thuyết phục được các DN thực hành liêm chính và minh bạch trong kinh doanh quả thật là không hề đơn giản. Sẽ phải trả lời họ những câu hỏi rất khó, kiểu như: làm sao có thể cạnh tranh khi DN của tôi minh bạch, liêm chính còn đối tác thì không? Và liệu DN có thể thực hành những điều ấy không khi mối lo về những đòn trả đũa ngầm là hoàn toàn có cơ sở?

Trong khi đó, ai cũng hiểu, mối nguy hại lâu dài của việc đánh mất sự liêm chính trong kinh doanh, là các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế bị phá vỡ và hình thành những thói quen làm ăn bất chính, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các DN, của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định, tại phiên thảo luận về kinh tế tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội, cho rằng: "Nếu tất cả công chức từ TƯ đến địa phương tận tâm tận lực làm việc đúng giờ, đúng với năng lực được đào tạo, nghe những gì dân nói, DN nói để hết lòng làm, DN phản ánh thì trả lời người ta sớm, nếu DN vướng mắc gì tháo gỡ khó khăn cho họ theo quy định của pháp luật..., sẽ là động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng".

Ông Định nói: "Tôi nghĩ rằng DN là đầu tàu kinh tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo. Nhưng ở Hàn Quốc họ bảo, chúng tôi đã từng nghĩ như thế rồi nhưng không phải. Đầu kéo của nền kinh tế phải là hệ thống công chức”.

Khảo sát của VCCI cho thấy các DN rất quan ngại về sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh an toàn. Họ cần phải được bảo vệ và phải tạo thuận lợi, cho nên cải cách hành chính cần phải đi đôi với cải cách tư pháp và cần phải coi đó là một yêu cầu bức thiết.

"Cần tăng cường phòng chống tham nhũng mạnh hơn nữa, bởi trong môi trường tiêu cực thì người yếu thế là người bị thiệt hại nặng nề nhất. DNNVV cũng như người nghèo luôn luôn là đối tượng bị tác động và tổn thương nhiều nhất. Chống tham nhũng, tiêu cực là tạo cơ hội cho họ an tâm trong công việc kinh doanh của mình, chứ không thể suốt ngày lo lắng sợ cái này, sợ cái kia được", ông Nguyễn Mại nói.

Trần Thủy