Với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ tăng cao dần, ngang bằng giá 1m3 nước sạch. Như vậy, sử dụng nước sẽ tốn 1 gấp đôi, người dân cần tập thói quen sử dụng nước tiết kiệm hơn.

Cần từ 6,4-20 tỷ USD để xử lý nước thải

Từ đầu năm 2017, các hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt và các DN sản xuất kinh doanh cả nước sẽ phải trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, theo quy định của Nghị định số 154/2016, vừa được Chính phủ ban hành.

Cụ thể, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được tính bằng mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm, cộng thêm phí biến đổi phát sinh.

{keywords}

Nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố

Hiện các đô thị lớn và một số vùng nông thôn đã thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở mức 10%. Nhưng nhiều vùng nông thôn vẫn chưa thực hiện và sẽ bắt đầu thu từ 1/1/2017, kể cả với những tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, trừ những đối tượng được miễn trừ.

Số tiền thu được dành 10% cho đơn vị cung cấp nước sạch và 25% cho UBND xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Số còn lại nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho các công tác liên quan đến bảo vệ môi trường.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước. Vấn đề này có xu hướng ngày càng xấu đi.

Tính đến nay, cả nước có 35 triệu người sống tại các đô thị, chiếm 38% dân số cả nước, nhưng chỉ 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Tốc độ tăng nhanh dân cư đô thị tạo áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có lĩnh vực thoát nước và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, trên 60% dân số sống tại vùng nông thôn cơ sở hạ tầng còn lạc hậu. Phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Đáng lưu ý, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, khiến cho các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe.

Riêng với nước thải đô thị, Việt Nam đặt ra mục tiêu 70% dân số đô thị, tương đương khoảng 35 triệu người, được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chi phí bình quân đầu người cho việc xử lý nước thải từ 200-600 USD. Như vậy, Việt Nam cần phải đầu tư thêm khoảng 6,4-20 tỷ USD trong 10 năm tới để đạt được mục tiêu đề ra.

Phí nước thải sẽ tăng dần

TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, với nước thải sinh hoạt, tính phí ở mức 10% được cho là không đủ để xử lý nước thải. Hiện việc xử lý nước thải đang do ngân sách Nhà nước gánh hoàn toàn.

{keywords}

Các DN nằm trong KCN có hệ thống xử lý nước thải, đã nộp phí xử lý cho Ban quản lý thì cũng không phải nộp phí

Việc thu phí sẽ giúp giảm chi từ ngân sách và bù đắp một phần chi phí cho hoạt động thoát nước, xử lý nước thải. Đồng thời, nâng cao ý thức của dân về việc sử dụng hợp lý nước sạch. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thu phí này từ 25-40 năm về trước, Việt Nam bây giờ mới thực hiện.

Theo các cơ quan chức năng, phí nước thải sẽ còn tăng trong tương lai, với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trong tương lai phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp đủ chi phí dịch vụ thoát nước.

Theo tính toán, thu phí nước thải sinh hoạt phải được tính bằng 100% đối với các hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, hoặc 80% đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, mới đảm bảo kinh phí cho xử lý.

Hiện tại, các địa phương đang xây dựng đơn giá xử lý nước thải. Giá xử lý nước thải ở các địa phương sẽ không giống nhau, mà tùy thuộc vào chi phí của từng nơi. Nơi nào đầu tư công nghệ cao chi phí có thể tới 8.000 đồng/m3, nhưng nơi nào công nghệ thấp chi phí có thể chỉ ở mức 2.000 đồng/m3.

Lộ trình thu sẽ tăng dần, chứ không tăng mạnh ngay, song đảm bảo là toàn bộ chi phí xử lý nước thải phải được tính đúng, tính đủ và có mức lợi nhuận hợp lý cho đơn vị xử lý. Với quy định mới này, dự tính chi phí về nước sinh hoạt của các gia đình từ năm 2017 sẽ tăng và cao dần trong các năm sau, nếu không thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước.

Trần Thủy