Hơn một năm nay, anh Hùng rao bán căn hộ vẫn chưa có người hỏi mua, hoặc có thì lại bị dìm giá. Sau vụ cháy chung cư năm 2016 cùng với nhiều dự án của chủ đầu tư này bị bêu tên thì tình hình buôn bán căn hộ giảm hẳn.
Mua chênh hàng trăm triệu rồi bán tháo
Theo anh Tống Ngọc Hùng (chung cư ở Hà Đông), căn hộ hơn 65m2 anh đang rao bán giá hơn 1,15 tỷ đồng. Dù đã rao từ lâu nhưng số người hỏi mua rất ít, chủ yếu là nhóm nhân viên môi giới và rao vặt quảng cáo. Một số người có nhu cầu mua nhà thì lại ép giá thấp, khiến anh không thể bán được căn hộ.
“Từ khi dự án xảy ra vụ cháy tại đây, bán nhà cũng khó. Biết là chủ đầu tư đã khắc phục sự cố nhưng người mua vẫn nơm nớp lo”, anh Hùng chia sẻ. Khi được hỏi lý do bán nhà có phải vì sợ cháy hay không, anh Hùng từ chối trả lời.
Theo tìm hiểu, khu chung cư anh Hùng đang sinh sống hiện vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy. Mức giá bán hiện nay vào 16-17 triệu đồng/m2. Sau sự cố cháy năm 2016, nhiều người dân lo sợ, muốn bán để đi tìm nơi ở khác, chấp nhận bán lỗ.
Sau vụ cháy giá chung cư giảm mạnh |
Không chỉ vậy, nhiều dự án của chủ đầu tư này cũng chung cảnh ngộ. Tại một dự án khác cùng chủ đầu tư có chủ nhà rao bán chỉ 13,5 triệu đồng/m2. Trước đó, để mua được nhà thuộc dự án này, khách hàng phải chấp nhận mua chênh với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, sau vụ cháy tại tầng hầm chung cư Carina, những người đang có ý định mua căn hộ có tâm lý cân nhắc, có nhiều giao dịch phải dừng lại.
Không chỉ dự án bình dân mà các chung cư cao cấp dù mới đi vào hoạt động cũng đang gặp cảnh tương tự. Những cuộc biểu tình của cư dân, treo băng rôn về tình hình phòng cháy chữa cháy không đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ. Người dân thì đua nhau bán tháo khiến cho những khách hàng có ý định mua nhà phải cân nhắc lại.
Chị Hồng (một khách hàng tại dự án chung cư cao cấp ở Thanh Xuân) đang bán cắt lỗ căn hộ 250 triệu, thấp hơn so với giá của chủ đầu tư. Mức giá trước đó chị mua nhà ở dự án này là trên 35 triệu đồng/m2. Cũng giống như anh Hùng, chị Hồng rao cả tháng cũng không có nổi chục khách hỏi mua. Chị đã nhờ nhân viên môi giới của sàn nhưng tình hình cũng không mấy khá khẩm.
“Mình mua nhà giờ muốn bán đi thì chẳng ai dại mà mua vào. Với tình hình như hiện nay chắc mình sửa lại để cho thuê”, chị Hồng chia sẻ. Trên diễn đàn cư dân của dự án này, nhiều người mua nhà cũng đang rao bán để tháo chạy. Nhưng tình hình thanh khoản rất thấp.
Theo anh Nguyễn Đức Thành, một nhân viên môi giới, số lượng người quan tâm tại các dự án chung cư dính rắc rối thường rất ít. Người mua lo sợ sẽ sống trong cảnh nguy hiểm tới tính mạng gia đình. Dù chủ nhà gửi bán và chiết khấu cao nhưng các nhân viên môi giới đều khó bán.
Mất giá sau vụ cháy
Thống kê mới đây cho thấy, Hà Nội còn 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.
Tháo chạy khỏi chung cư lo ngại cháy |
Đơn cử như nhà chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung; tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông; nhà chung cư 30 tầng BMM, khu đô thị Xa La; trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 29 Lạc Trung; tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh,...
Cư dân nhiều chung cư đã biểu tình, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm túc quy định PCCC, thậm chí có nơi còn cầu cứu cả Chủ tịch UBND TP. Hà Nội như ở chung cư Garden Capital, ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội.
Tình hình giao dịch ở các dự án này đều ảm đạm.Trước việc nhiều dự án không thể khắc phục được phòng cháy chữa cháy, theo nhận định của giới kinh doanh bất động sản, giá chung cư sẽ tiếp tục giảm.
Thời điểm này năm ngoái, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã rà soát, thống kê và công bố 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng, diễn ra cả ở chung cư cao cấp tới giá rẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. cho biết, theo quy định trong xây dựng, khâu thẩm định thiết kế chung cư rất chặt chẽ, khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng cũng rất nghiêm ngặt.
Năm 2013, khi sửa luật kinh doanh bất động sản, một số cơ quan ban ngành có đề xuất sau khi chủ đầu tư nghiệm thu PCCC xong, phải thông báo cho Sở Xây dựng biết để đơn vị này thẩm tra để ra văn bản đủ điều kiện mới được đưa dân vào ở, nhưng quy định này không được đưa vào luật kinh doanh bất động sản. Tới đây, Hiệp hội sẽ kiến nghị quyết liệt để đưa vấn đề này vào Luật Kinh doanh bất động sản.
Báo cáo của CBRE VN cho thấy, số lượng căn hộ mở bán trong quý vừa qua đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, giá của các đợt mở bán sau không có nhiều thay đổi so với các đợt mở bán trước đó. Trong khi đó người mùa nhà để ở tập trung vào các yếu tố an toàn, chất lượng sản phẩm và kết nối đến các tiện ích xung quanh.
Duy Anh
Sau thảm hoạ cháy chung cư, nhiều người "đi săn" mặt nạ phòng độc của Nga
Mối quan tâm của rất nhiều người sống ở các chung cư hiện nay chính là sắm cho mình ít nhất 1 thiết bị bảo vệ tính mạng. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng trôi nổi trên thị trường có xuất xứ Trung Quốc...
Vụ cháy 13 người chết: Lộ diện ông chủ đại gia xây nhà khắp Sài Gòn
Sau thảm họa cháy chung cư Carina chết 13 người, giật mình khi biết ông chủ đại gia BĐS này đang xây hàng loạt chung cư khắp Sài Gòn.
Chủ chung cư Carina cháy chết 13 người: Xây cả loạt dự án mới
Ngoài chung cư Carina Plaza vừa bị cháy, Công ty Năm Bảy Bảy cũng đang triển khai nhiều dự án nhà cao tầng và khu nghỉ dưỡng trên khắp cả nước.