Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sẽ không thu hẹp hay làm yếu đi khu vực FDI nhưng Chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên doanh nghiệp FDI sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt.

Một nền kinh tế 2 tốc độ

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vấn đề đáng chú ý hiện này là sư thiếu tính kết nối giữa các DN trong nước với các DN đầu tư nước ngoài (FDI). Nền kinh tế đang ở trong tình trạng: “Một nền kinh tế với hai tốc độ”, hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia”.

Trước đó và cũng như trong Diễn đàn VBF, có rất nhiều ý kiến lo ngại về sự lệch pha trong tốc độ phát triển của hai khu vực này, nhất là giữa các DN FDI với các DN vừa và nhỏ (SMEs) tư nhân trong nước.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp FDI áp đảo tại Việt Nam.

Có nhiều thống kê, phân tích cho thấy, các doanh nghiêp tư nhân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu; đặc biệt, rất khó có thể tham gia vào các khâu sản xuất của DN FDI. Trong khi các DN FDI lớn mạnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh thì các DN tư nhân trong nước có quy mô gần như không thay đổi.

Theo ông Lộc, DN FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

FDI có đầu tư bài bản hơn, công nghệ cao hơn và đáng lưu ý FDI thậm chí đang nhận được những ưu đãi lớn hơn so với các DN tư nhân trong nước như trong tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế…

Các DN FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.

Tuy nhiên, dường như Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, có thực trạng là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước còn rất hạn chế.

Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực được chào đón, được Chính phủ kỳ vọng về những tiến bộ của các DN tư nhân trong nước. Sự cộng sinh rất yếu khi trong các dự án FDI có quá ít liên doanh (khoảng 80% FDI ở Việt Nam là DN 100% vốn nước ngoài).

Tỷ lệ các DN tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho DN FDI cũng hạn chế. Theo kết quả điều tra DN gần nhất, điều tra PCI 2016, chỉ có khoảng 14% DN tư nhân đang có khách hàng là các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có cải thiện nhưng rất chậm.

Từ phía các DN FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu (theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác). Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn, mà ít sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.

Ưu tiên FDI kết nối doanh nghiệp Việt

Tại Diễn đàn VBF giữa kỳ năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sẽ không thu hẹp hay làm yếu đi khu vực FDI, nhưng Chính phủ sẽ đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các DN FDI có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, có chuỗi sản xuất, có quản trị tốt và sẵn sàng hợp tác kết nối với DN Việt Nam.

{keywords}
Sẽ ưu tiên FDI kết nối với DN Việt.

Phó Thủ tướng cũng cam kết sẽ “thúc đẩy cả khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đồng thời có chính sách kết nối thành công hai khu vực này”. Và “Chính sách của Chính phủ sẽ làm cho hai khu vực kinh tế cùng mạnh lên, phát triển đồng đều, để nền kinh tế mạnh lên”.

Ông Huệ cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam coi thành công của FDI là thành công của mình và cũng mong các DN FDI coi thành công của DN Việt, thành công của kinh tế Việt Nam là thành công của chính các DN FDI.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, hạn chế của DN trong nước liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu yếu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các DN FDI tại Việt Nam, chủ yếu do: chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ của DN tư nhân trong nước và sự cách biệt về địa lý giữa DN FDI và DN nội địa.

Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa DN FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, theo ông Lộc, cần: thứ nhất, cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hai là, cần có giải pháp đột phá và thực tế để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các DN trong nước và DN FDI.

Ba là, tăng cường kết nối về mặt địa lý giữa FDI với DN trong nước. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, chủ yếu tập trung các FDI, có thể giúp nâng cao hiệu quả ngắn hạn của hoạt động và xuất khẩu. Khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho các DN vừa và nhỏ nội địa.

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng cam kết tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực nội tại, từng bước giảm khoảng cách và tăng khả năng hấp thụ công nghệ của DN trong nước từ các tập đoàn đa quốc gia.

M. Hà