Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tiếp tục đưa ra phương án cho thuê đất tối đa 99 năm, nhưng có “chỉnh lý” lại là  chỉ áp dụng trong "trường hợp đặc biệt" và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tiếp tục đưa ra phương án cho thuê đất tối đa 99 năm, nhưng có “chỉnh lý” lại là trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng Chính phủ quyết định.

{keywords}
Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được thuê đất tối đa 99 năm ở đặc khu.

Liên quan đến quyền thuê đất và thời gian thuê đất, dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hồi tháng 10/2017 nêu rõ:  

“1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đất đai thuê đất, thuê lại đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 và Điều 175 của Luật đất đai tương ứng với hình thức sử dụng đất.

2. Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không quá 70 năm.

3. Căn cứ đề nghị của nhà đầu tư và quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đối với phương án 1) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đối với phương án 2) báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trên 70 năm, nhưng không quá 99 năm đối với dự án đầu tư bao gồm:

a) Khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục - đào tạo tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

b) Đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật này”.

Khi đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định thời hạn sử dụng đất tới 99 năm là quá dài, đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu đặc thù của mỗi đơn vị để quy định phù hợp về thời hạn sử dụng đất.

Góp ý cho dự thảo luật, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị giao Trưởng đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất vì khi đã quy định rõ danh mục các dự án được sử dụng đất trên 70 năm và không quá 99 năm thì đây chỉ là trình tự thủ tục thực hiện theo quy định.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý: Trưởng Đặc khu/Chủ tịch Ủy ban đặc khu căn cứ quy mô, tính chất dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư để đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trên 70 năm nhưng không quá 99 năm đối với các trường hợp. Một là dự án đầu tư cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế có vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng; dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế có vốn đầu tư tối thiểu 5.000 tỷ đồng. Hai là dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược quy định tại Điểm b và Điểm d Khoản 5 Điều 3 của Luật này.

Tại dự thảo mới nhất dự kiến trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều sửa đổi về vấn đề này.

Chẳng hạn, cụm từ “nhà đầu tư nước ngoài” không được đề cập riêng mà thành cụm từ chung là “nhà đầu tư”. Đồng thời, quy định này được rút ngắn gọn lại thành: Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, pháp luật hiện hành về đất đai quy định thời hạn sử dụng đất tối đa để sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế là 70 năm. Tại một số đặc khu kinh tế như ở Thái Lan, Malaysia, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dubai (Khu tự do Jebel Ali), thời hạn sử dụng đất là 99 năm.

Việc quy định thời hạn sử dụng đất như trong dự thảo Luật là nhằm thể hiện tính vượt trội trong chính sách đất đai tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt so với các khu kinh tế khác trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới .

L.Bằng