Nhìn tiến độ sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư, chắc hẳn không ít người không khỏi thắc mắc khi việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây mới sân bay Long Thành vài năm qua vẫn ở mức bàn thảo. Còn nhìn về đường sắt Cát Linh - Hà Đông thấy nản vì bao năm vẫn dở dang. Ẩn sau đó là câu chuyện dài về sự khác biệt đáng kể giữa đầu tư nhà nước và tư nhân.

Vân Đồn nhanh, Long Thành tiến triển chậm

Đầu năm 2015, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) được khởi công. Đây là sân bay đầu tiên ở Việt Nam do một tập đoàn tư nhân đứng ra đầu tư xây dựng, với số vốn 7.500 tỷ đồng.

Sân bay này đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để về đích vào giữa năm 2018. Nếu vậy, sân bay này chỉ mất hơn 3 năm xây dựng.

Chuyện tư nhân làm sân bay Vân Đồn đã được TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra làm ví dụ so sánh về câu chuyện giữa tư nhân và Nhà nước khi cùng đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay.

{keywords}
Đường băng sân bay Vân Đồn sắp đến ngày hoàn thành. Ảnh: Zing

“Sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài và Tân Sơn Nhất về quy mô nhưng cũng có đẳng cấp, thời gian từ lúc làm tới khi kết thúc rất nhanh, có thể chỉ 6 tháng nữa sẽ khánh thành. Trong khi đó, chúng ta bàn việc cấp bách “gấp vạn lần” Vân Đồn là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, nhưng riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa” - ông Trần Đình Thiên chia sẻ.

Từ câu chuyện này, ông Trần Đình Thiên khẳng định cần tư duy lại về sự phát triển của doanh nghiệp Việt. Theo đó, xác định rõ trụ cột của nền kinh tế, bởi những nước đi sau muốn đi lên nhanh đều cần tạo ra những trụ cột tư nhân như vậy.

Nhìn tiến độ sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư, chắc hẳn không ít người đồng tình với quan điểm của vị chuyên gia này. Nhiều người hẳn cũng thấy “phiền lòng” khi nhìn việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây mới sân bay Long Thành vài năm qua vẫn ở mức bàn thảo. Còn nhìn về đường sắt Cát Linh - Hà Đông bao năm vẫn dang dở thì càng thấy nản lòng.

Không khó hiểu khi tiến độ sân bay Vân Đồn lại nhanh như vậy, bởi “đồng tiền gắn liền khúc ruột”, một ngày chậm trễ đều có thể khiến doanh nghiệp thiệt hại. Trong khi đó, có trường hợp DNNN chịu cảnh “cha chung không ai khóc” nên liên tục vướng vào thua lỗ với hàng loạt dự án nghìn tỷ đắp chiếu.

Đó là chưa kể, sự chủ động, linh hoạt, nhạy bén trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp tư nhân chớp lấy thời cơ, kể cả thời cơ để kiếm lời cũng như cắt lỗ.

Khi dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II lâm cảnh đắp chiếu, dở dang nhiều năm trời, đã có ý kiến cho rằng nếu đó là dự án của tư nhân thì việc xử lý đã rất dễ dàng và nhanh chóng, chứ không để đắp chiếu cả chục năm trời như vậy.

Đừng để tư nhân thành cây cớm nắng

Trong một cuộc trò chuyện đầu năm 2017 với PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn: Tất cả các nước phát triển đều dựa vào doanh nghiệp tư nhân. Sau mở cửa, cải cách, Trung Quốc, Việt Nam, Lào cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân. Và thực tế chứng minh doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hơn hẳn DNNN.

{keywords}
Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II đắp chiếu 10 năm.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về bức tranh hoạt động của doanh nghiệp cho thấy tầm quan trọng của khu vực tư nhân. Theo đó, năm 2016, mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với trên 434 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016.

Các DNNN năm 2016 đóng góp trêm 277 nghìn tỷ đồng. Trong khi ấy, dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng các doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất, với 250 nghìn tỷ đồng năm 2016.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, cho rằng: Việc một nước muốn phát triển, thì phải đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân là điều không phải bàn, nhưng làm sao để khu vực này phát triển mạnh không phải điều dễ dàng.

“Dù phát triển nhanh hơn gần đây (nhìn về số lượng), nhưng kinh tế tư nhân vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ bé: đóng góp ít hơn 10% vào GDP. Kinh tế tư nhân như cái cây đang bị 'cớm nắng' do phải chen lấn dưới bóng các cây đại thụ trong khu vực kinh tế Nhà nước, tập đoàn nước ngoài,... Cây cớm nắng thì dù có cố vươn cao được thì vẫn mảnh mai và yếu ớt”, TS Nguyễn Đức Thành ví von.

Thực tế, Chính phủ đã có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức tầm quan trọng của khu vực kinh tế này bằng hành động cụ thể, từ việc quyết liệt cắt bỏ giấy phép con, thủ tục hành chính, đến việc ra đời một Nghị quyết riêng về doanh nghiệp (Nghị quyết 35a/NQ-CP năm 2016). Nhờ đó, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016.

Tuy nhiên, đến nay 97% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn là nhỏ và vừa, trong đó có tỷ lệ đáng kể DN siêu nhỏ. Quy mô trung bình của DN Việt Nam rất nhỏ bé, năng lực cạnh tranh cũng khá hạn chế.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra nghịch lý khác: đóng góp nhiều nhất vào ngân sách, nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước dù chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn. Năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), thua DNNN và kém hơn nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Để DN tư nhân không bị cớm nắng và có dư địa để phát triển, phải thu hẹp lại cái bóng quá lớn của khu vực Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN, thu hẹp DNNN lại sẽ tạo dư địa cho DN tư nhân phát triển. Đồng thời, tạo dựng một môi trường kinh doanh thực sự mang tính phục vụ DN”.

Lương Bằng