Sau 5 năm bỏ ghế giám đốc về nuôi gà, anh Nguyễn Xuân Hòa đã bảo tồn được nguồn gene thuần chủng của gần chục giống gà thuộc hàng đặc sản, gà cổ, gà quý hiếm ở Việt Nam. Sau đó, anh nhân đàn rộng khắp, giúp những hộ dân liên kết với anh kiếm được tiền tỷ mỗi năm.
Đắm đuối với đàn gà đặc sản
Vừa kết thúc cuộc điện thoại để thỏa thuận với một hộ nông dân ở Hưng Yên về việc sẽ đưa xe xuống bắt đơn gà Đông Tảo 50 con, anh Nguyễn Xuân Hòa ở Đình Thôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khoe: "Tết, gà tiêu thụ nhiều, ngày nào tôi cũng nhận hàng vài chục cú điện thoại đặt đủ các loại gà đặc sản. Đặc biệt, toàn bộ đơn đều là giống gà đặc sản thuần chủng và là gà cổ của Việt Nam, như: gà ri, gà Đông Tảo, gà Chín cựa, gà Tè, gà Hồ, gà H’Mông, gà Mía,... ".
Vì thế, anh lại phải gọi điện về trang trại của mình hoặc điện cho các hộ dân nuôi liên kết để chuyển gà lên Hà Nội để anh giao cho khách.
Hòa tâm sự, anh mới theo nghiệp nuôi gà được khoảng 5 năm nay. Trước đây, đã có thời gian anh làm cho một ngân hàng lớn ở Hà Nội, sau chuyển sang làm giám đốc cho một công ty kinh doanh dịch vụ lớn. Với cương vị là giám đốc, công việc tiếp khách và ăn nhậu là chuyện thường xuyên. Song, mỗi lần ăn món gà trong các nhà hàng, quán nhậu, anh không cảm nhận được vị ngon vì miếng thịt gà mềm, không chắc, thiếu mùi thơm đặc trưng.
Mong muốn bảo tồn được giống gà quý của Việt Nam nên anh Hòa chấp nhận bỏ chức giám đốc về nuôi gà |
Sau đó, trong những lần đi tìm thực phẩm sạch về cho gia đình, anh thấy các loại gà đặc sản thuần chủng hiện còn rất ít, thậm chí có loại nguồn gene có nguy cơ mai một do bị lai tạo quá nhiều. Trong khi đó, nhu cầu của người dân giờ muốn ăn ngon chứ không phải ăn nhiều nên các loại gà đặc sản của Việt Nam được săn lùng ráo riết, giá cao ngất ngưởng.
Thấy vậy, anh quyết định bỏ việc, bắt tay vào tìm các giống gà đặc sản thuần chủng của Việt Nam về gây giống, nhân đàn nuôi.
Tuy nhiên, là người ngoại đạo nên công việc gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, để bảo tồn được giống gà ri thuần chủng, anh phải tìm tới viện chăn nuôi nhờ tư vấn về giống gà, đặc điểm của chúng ra sao, cách nuôi như thế nào, sau đó lặn lội ngược xuôi hết các huyện trên vùng Hòa Bình tìm mua.
Lúc tìm được giống gà ri cổ thuần chủng thì anh lại gặp khó khăn trong việc thu mua vì dân không muốn bán. Cuối cùng, anh phải chấp nhận trả với mức giá cao để mua về nuôi thử và nhân giống.
“Đến nay, sau 5 năm gắn bó với con gà tôi đã bảo tồn được rất nhiều giống gà đặc sản như gà ri cổ thuần chủng, gà H’Mông, gà Đông Tảo, gà Chín cựa, gà Tè, gà Hồ Chi nhị, gà Hồ Lạc thổ,... ”, anh Hòa nói. Hiện anh có đàn gà bố mẹ các loại lên đến 3 vạn con, mỗi tuần bán ra 2-3 vạn con giống gà đặc sản loại phổ thông, vài ngàn con giống loại đặc sản cao cấp quý hiếm.
Giúp dân kiếm tiền tỷ
Anh Hòa tâm sự, gà đặc sản của Việt Nam rất phong phú, mỗi con có một huyền sử khác nhau mà anh cần phải tìm hiểu. Cũng chính từ đó, anh nhận ra rằng, để nuôi được các giống gà đặc sản đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố như có diện tích vườn đồi lớn, có nhân công với kinh nghiệm và hiểu biết về đặc tính của từng loại gà,...
Nhiều hộ dân thu được tiền tỷ nhờ bắt tay liên kết nuôi gà đặc sản với anh Hòa |
Như con gà Móng, chúng chỉ nuôi được ở xã Tiên Phong (Hà Nam), gà ri nuôi ở Lạc Thủy (Hòa Bình), gà Chín cựa nuôi ở Xuân Sơn (Phú Thọ),... Trong quá trình đi tìm kiếm nguồn gene gà quý, anh nảy ra ý tưởng liên kết với các hộ dân trong vùng thành các trang trại vệ tinh. Bởi, một mình anh phải đầu tư từ đất đai, đào tạo nhân công sẽ rất tốn kém tiền của, đặc biệt là thời gian và công sức.
Tuy nhiên, bắt tay với nông dân sẽ giúp anh tận dụng được vườn đồi của họ. Và quan trọng hơn, những người nông dân có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gà đặc sản ở địa phương họ. Theo đó, với các hộ dân liên kết nuôi gà đặc sản anh sẽ cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn, phòng dịch bệnh. Đến lúc gà xuất chuồng, anh sẽ bao tiêu sản phẩm cho họ.
Anh Hòa cho hay, anh đã thành lập doanh nghiệp chăn nuôi của riêng mình để sản xuất con giống, nuôi gà thịt. Đồng thời, bắt tay liên kết với hàng trăm hộ dân, xây dựng được hệ thống trang trại vệ tinh rộng khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam.
Với những hộ nông dân nằm trong chuỗi liên kết của anh, do được bao tiêu sản phẩm nên có nguồn thu nhập rất ổn định.
Ví dụ, với con gà Đông Tảo nếu trừ hết chi phí, người nuôi sẽ có lãi khoảng 250.000-300.000 đồng/con tùy thời điểm, với con gà ri có thể lãi 60.000-80.000 đồng/kg,... Tính ra, một hộ nuôi gà đặc sản có thể lãi 400.000-500.000 triệu/năm, thậm chí có hộ thu về tiền tỷ nếu nuôi với số lượng lớn.
“Ngoài việc giúp người chăn nuôi có được thu nhập ổn định, tôi còn tự hào bởi mình có thể bảo tồn được nguồn gene quý hiếm của rất nhiều giống gà đặc sản của Việt Nam. Đồng thời, người tiêu dùng được thưởng thức miếng thịt gà đặc sản thơm ngon với đúng giá trị của nó, anh Hòa chia sẻ.
Anh cho biết gà đặc sản mấy năm trước tạo nên cơn sốt, bị thương lái đẩy giá lên cao ngất ngưởng, gấp cả 3-4 lần so với giá trị thực của nó do nguồn cung khan hiếm.
Thế nhưng, nhờ liên kết với các hộ dân mà 2-3 năm trở lại đây, anh có thể cung cấp ra thị trường giống gà đặc sản thuộc dòng thuần chuẩn, với số lượng cực lớn. Đơn cử như, mùa Tết năm nay, anh cung cấp trên 2.000 con gà Chín cựa anh, giá 300.000 đồng/kg; 30.000-40.000 con gà ri, 160.000 đồng/kg; vài ngàn con gà Đông Tảo giá 270.000 đồng/kg, gà Hồ 250.000 đồng/kg,...
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các loại gà đặc sản khác của Việt Nam để nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi. Ngoài ra, tôi còn có ý định mở rộng sang lĩnh vực nuôi chim đặc sản làm thương phẩm, bởi chúng đem lại giá trị kinh tế rất cao”, anh Hòa cho hay.
Bảo Phương