Số lượng doanh nhân Việt siêu giàu tăng lên nhanh chóng. Đã có nhiều tỷ phú USD xuất hiện và rất nhiều người có ngàn tỷ. Những khối tài sản khổng lồ đồng loạt lộ diện trong một thời gian ngắn gần đây.
Khối tài sản khổng lồ liên tục tăng lên
Giới đầu tư chứng khoán gần đây khá bất ngờ với thông tin ông Phạm Nhật Vượng có tài sản lên tới hơn 5 tỷ USD. Tốc độ tăng tài sản của ông trùm bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng này thực sự đáng ngạc nhiên, tăng vọt từ mức khoảng 1,3 tỷ USD hồi đầu năm 2017.
Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng gia tăng nhanh chóng lên nhanh chóng tới mức chính Forbes, một tạp chí tài chính nổi tiếng trên thế giới cũng không ngờ tới và phải nhanh chóng điều chỉnh theo.
Trong vài tuần cuối 2017, Forbes, đã liên tiếp có sự điều chỉnh lớn về khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đang theo kịp những thực tế đang diễn ra trong nhóm những người giàu nhất Việt Nam.
Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đã có thêm hàng tỷ USD và đạt mức 5,5 tỷ USD vào ngày 31/1/2017. Tính trung bình, cứ vài ngày, ông Phạm Nhật Vượng lại có thêm 100 triệu USD.
Trên thực tế, trong nhiều tháng trước đó, các tính toán của Forbes đều thấp hơn hàng tỷ USD so với khối tài sản của ông Vượng tính theo số lượng và giá cổ phiếu VIC của đại gia giàu có số 1 Việt Nam này.
Cho tới thời điểm gần đây, tính toán của Forbes đã khá sát với thực tế nhưng vẫn còn chênh chút ít. Tính tới hết ngày 14/2, theo Forbes, ông Vượng có tài sản là 4,6 tỷ USD, xếp thứ 457 trên thế giới. Tuy nhiên, theo số lượng cổ phiếu VIC mà ông Vượng đang nắm giữ và giá cổ phiếu này, thì tổng số tiền mà ông Vượng có là gần 133.000 tỷ đồng (tương đương 5,83 tỷ USD).
Sở dĩ tài sản của ông Vượng tăng nhanh là vì gần đây các số liệu cho thấy tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam còn gián tiếp nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu VIC.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng nắm gần 724 triệu cổ phiếu Vingroup - VIC (tương đơng 27,5% vốn). CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm hơn 880 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 33,4%.
Trong khi đó, ông Vượng đang sở hữu 92,88% CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Như vậy, ông Vượng đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 60% cổ phần tại Vingroup, tương đương với hơn 1,54 tỷ cổ phiếu VIC.
Trong 6 tháng qua, cổ phiếu VIC đã tăng khoảng hơn 100% lên mức cao kỷ lục: 86.100 đồng/cp. Và nếu tính theo mức giá này, số cổ phần VIC mà ông Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ trị giá 5,83 tỷ USD. Nếu tính cả số cổ phiếu vợ ông Vượng đang nắm giữ, vợ chồng ông Vượng có tài sản 6,3 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), có khá nhiều doanh nhân đang gián tiếp nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu giống như ông Phạm Nhật Vượng.
Tỷ phú Việt giàu không ngờ tới
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet (VJC) trực tiếp nắm giữ 39,6 triệu cổ phiếu VJC, nhưng gián tiếp nắm giữ gần 129 triệu cổ phiếu VJC thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (bà Thảo nắm giữ 100% cổ phần công ty này).
Với số lượng cổ phiếu VJC khổng lồ và gần 36 triệu cổ phần Ngân hàng HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có khối tài sản quy ra đạt 35,2 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,55 tỷ USD). Bên cạnh đó, bà Thảo hiện còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Sovico (Sovico Holdings).
Sovico Holdings đang sở hữu 14,7 triệu cổ phiếu VJC (tương đương 4,9% vốn điều lệ Vietjet Air) và 130,9 triệu cổ phiếu HDB (tương đương 13,34% vốn điều lệ HDBank). Đó là chưa kể các khoản đầu tư khác của Sovico Holdings, các khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam cũng như các công ty khác mà bà Thảo đang sở hữu.
Theo Forbes, tính tới 14/2, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có khối tài sản lên tới 3,3 tỷ USD, xếp thứ 697 trên thế giới.
Đại gia Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) hiện chỉ nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu VCS nhưng gián tiếp (thông qua CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh) nắm giữ gần 58 triệu cổ phần VCS. Do vậy, khối tài sản của ông Năng lên tới hơn 13 ngàn tỷ đồng (tương đương 570 triệu USD).
Ông Nguyễn Đức Tài cũng chủ nắm giữ hơn 7,8 triệu cổ phần Thế Giới Di Dộng (MWG) nhưng gián tiếp nắm giữ hơn 38,6 triệu cổ phần MWG thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới bán lẻ).
Ông Trần Lê Quân (MWG), ông Nguyễn Duy Hưng (SSI, PAN), ông Lê Phước Vũ (HSG), Trần Lệ Nguyên (KDC), vợ chồng ông Hồ Hùng Anh (MSN, Techcombank)… cũng gián tiếp sở hữu một khối lượng lớn cổ phần cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nhân siêu giàu đã chuyển về công ty riêng. Không ít các đại gia âm thầm rút vào hoạt động kín đáo hơn trong năm 2014 sau những biến động, sóng gió thăng trầm trên thị trường.
Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang gần như không trực tiếp nắm giữ cổ phần tại Masan nhưng hiện vẫn là phó và chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này.
Với việc chuyển cổ phiếu cho vợ con hoặc/và về công ty riêng, hàng loạt các đại gia đã chóng rớt khỏi tất cả các bảng xếp hạng giàu có do một số doanh nghiệp, tổ chức thực hiện.
Trong năm 2014, giới đầu tư cũng chứng kiến vợ chồng ông Đặng Thành Tâm bán ra khá nhiều cổ phiếu khiến tổng giá trị tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên sàn bị sụt giảm mạnh. Thứ hạng giàu sang của ông Tâm (từng là người giàu nhất trên TTCK) do vậy cũng tụt hạng nhanh chóng.
Trên thực tế, việc chuyển cổ phiếu sang công ty riêng giúp thuận tiện cho việc quản lý. Nó cũng cho thấy một sự chuyên nghiệp hơn của các doanh nhân Việt.
Hiện tượng lập công ty giữ tiền là cách mà nhiều tỷ phú trên thế giới như Bill Gates đã làm từ lâu. Rất nhiều đại gia Việt đã học theo, không còn trực tiếp đứng tên tài sản, mà chuyển dần về các tổ chức chuyên nghiệp hơn để nắm giữ và đầu tư.
Bên cạnh đó, TTCK gần đây cũng chứng kiến dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư. Đây là một tín hiệu cho thấy, việc đầu tư trên thị trường dần chuyên nghiệp hơn. Tình trạng ồ ạt lên sàn, ngồi canh bảng điện tử không còn tràn lan như đợt sốt cách đây 10 năm nữa. Thay vào đó là hoạt động đầu tư bài bản hơn. Thị trường cũng chứng kiến nhiều sản phẩm dịch vụ hơn. Đây là những tín hiệu rất tốt cho kênh huy động vốn cho một nền kinh tế mới nổi.
M. Hà