- Để lôi kéo người tham gia, các công ty kinh doanh đa cấp trá hình thuê các khách sạn sang, thậm chí còn mời những cán bộ lãnh đạo cao cấp, người có uy tín,... tham dự để tăng độ hoành tráng, tin cậy.

Lừa đảo trá hình, kiếm trăm tỷ chớp nhoáng

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an đã phối hợp với công an một số đơn vị, địa phương đánh “sập” hàng loạt những đường dây kinh doanh theo mô hình đa cấp biến tướng lừa đảo: mời chào bằng lãi suất lợi nhuận rất khủng, hàng trăm phần trăm mỗi tháng, song thực chất chỉ là lấy tiền của người chơi sau trả cho người trước.

Ngày 8/10, C50 đã tạm giữ các đối tượng: Nguyễn Thị Minh Phương, 38 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Thái An, có địa chỉ tại khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai; Phạm Thanh Toàn, 45 tuổi, cùng ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty và Hồ Đình Phú (24 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

{keywords}
Rất nhiều người, vì cả tin, ham làm giàu nhưng thiếu hiểu biết đã trở thành nạn nhân của đa cấp trá hình, biến tướng.

Chúng đã lập trang web hero8.org kêu gọi khách hàng cả nước tham gia góp vốn, nhưng thực tế, số tiền này không để kinh doanh.

Cụ thể, ai muốn có chân trong hệ thống thì đầu tư 10.160.000 đồng, sẽ được cấp một mã gọi là ID, trong đó, 2.160.000 đồng gọi là tiền pin (một lệ phí tham gia do hệ thống đặt ra) và 8 triệu đồng đầu tư ban đầu gọi là PH. Theo mô hình giới thiệu, cứ 5 ngày mỗi cá nhân tham gia một mã sẽ được nhận 2,2 triệu đồng gọi là GH và được nhận tất cả 18 đợt.

Theo tính toán, trong khoảng 90 ngày, nếu đầu tư 10.160.000 đồng thì khách hàng nhận được 39,6 triệu đồng, lợi nhuận trung bình 130%/tháng - cực “khủng”, là ma lực làm mê muội khách hàng.

Đến thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận có 14.637 mã ID của thành viên kích hoạt tham gia thực tế, trong tổng số 21.405 mã ID tham gia trong hệ thống. Có tới trên 1.000 nạn nhân đã chuyển hơn 130 tỷ đồng vào tài của các đối tượng này. 

{keywords}
Người mua phải bỏ hàng chục triệu đồng mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng để trở thành thành viên mạng lưới.

Cũng với thủ đoạn như trên, Trần Văn Hạnh, 28 tuổi, trú tại Khu 4, xã Chu Hoá, TP. Việt Trì (Phú Thọ) đã liên hệ mua tên miền Gold.com của một doanh nghiệp. Hóa cùng với Phạm Văn Trường, 29 tuổi, trú tại phường Cẩm Trung, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đặt thiết kế trang web Gold 889.com để hoạt động kinh doanh đa cấp.

Theo kịch bản, người tham gia chơi phải có tài khoản của Ngân hàng Vietcombank và được người tuyến trên giới thiệu, kích hoạt ID và cấp mã Pin để đăng nhập. Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động từ 20/8 đến 1/9, trang web này đã lôi kéo hơn 2.400 lượt người (ID) tham gia, với tổng số tiền luân chuyển trên 7 tỷ đồng.

Sau đó, ngày 1/9, Hạnh đã chỉ đạo đồng bọn chủ động đánh sập trang web Gold 889.com, xoá các dữ liệu trong ổ cứng máy chủ, đồng thời lập trang web mới là NewGold 889.com để tiếp tục lôi kéo người chơi để chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là thủ đoạn rất phổ biến của các trang mạng kinh doanh đa cấp biến tướng gần đây.

Trong thời gian ngắn, hàng chục vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp qua mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị các trinh sát Cục C50 triệt phá. Một trong những vụ việc đầu tiên từng gây gây xôn xao dư luận là việc Công ty cổ phần trực tuyến MB24.

Từ tháng 5/2011 đến 7/2012, Nguyễn Tuấn Minh Chủ tịch HĐQT và đồng phạm đã lập hàng ngàn gian hàng ảo trên mạng và có chi nhánh ở 31 tỉnh, thành và bán được 121.349 gian hàng với số tiền trên 700 tỷ đồng.

Công ty cổ phần thương mại Cộng Đồng Việt, thông qua website vicongdongviet.vn, cũng quảng cáo thương mại điện tử, bán hàng đa cấp. Chỉ từ 4/2011-8/2012, công ty này đã lôi kéo được 2.929 khách hàng đầu tư với tổng số tiền trên 335 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 108 tỷ đồng. 

{keywords}
Lấy tiền của người sau trả cho người trước, đó là cách thức phổ biến của các mạng lưới kinh doanh đa cấp đang tồn tại tại Việt Nam.

Thậm chí, tội phạm còn núp danh hoạt động từ thiện, nhân đạo để thực hiện lừa đảo, điển hình như Công ty CP dịch vụ và hỗ trợ nhân đạo Anh Minh đã lập trang web nhandaoanhminh.com, lập quỹ từ thiện trái phép hoạt động theo mô hình đa cấp, huy động vốn. Trong thời gian ngắn, từ 16/11/2015 đến 27/2/2016 chúng đã kêu gọi được 1.126 thành viên tham gia, huy động được trên 28 tỷ đồng và chiếm đoạt.

Bóc hàng loạt đường dây lừa đảo


Từ đầu năm 2016 đến nay, Cục C50 đã phối hợp với Công an nhiều đơn vị, địa phương đánh sập nhiều hệ thống kinh doanh theo mô hình đa cấp trên mạng Internet. Xu hướng này đang nở rộ ở các tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt tâm lý muốn “giàu nhanh nhưng dễ dàng”.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hằng, (Trưởng phòng Thương mại điện tử - Cục C50) cho biết: Để thể hiện mức độ hoành tráng, tạo lòng tin, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia, chúng chọn khách sạn "siêu vip" thuê địa điểm tổ chức hội thảo; thậm chí còn mời được những cán bộ lãnh đạo cao cấp tham dự (như vụ việc Liên Kết Việt),...

Lợi dụng lòng tham, chúng đã lôi kéo được nhiều khách hàng tham gia đầu tư, hứa trả lợi nhuận hoa hồng lớn lên hàng nghìn % so với các khoản đầu tư ban đầu.

Trong khi, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không kinh doanh, hoặc kinh doanh những mặt hàng sinh lời không cao, không thể tạo ra lợi nhuận như cam kết.

Chính do vậy, tiền hưởng lợi của người tham gia chủ yếu là từ tiền của khách hàng nộp khi tham gia vào mạng lưới. Tiền của khách hàng sau nộp sẽ được trả cho khách hàng nộp trước, do vậy khi không còn khả năng thanh toán hoặc khi đã gom được số tiền lớn, chủ các doanh nghiệp đa cấp trá hình này sẽ cho sập trang web và bỏ trốn, hoặc lại lập trang web mới để tiếp tục hoạt động.

Thái Bình