- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài liên tục nhấn mạnh đừng chụp mũ doanh nghiệp FDI là chuyển giá khi chưa có chứng cứ. Ngay cả khi có nghi vấn thì cũng không cần công bố rộng rãi vì ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Chỉ là con sâu làm rầu nồi canh

Hồi đầu tháng 8, dư luận xôn xao với thương vụ quá hời gần 900 triệu USD sang tên chuỗi siêu thị Metro của Đức cho một tỷ phú Thái dù cho sau 12 năm ở Việt Nam.

Metro là một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng, quy mô và doanh thu ở Việt Nam liên tục tăng qua từng năm, nhưng lại lỗ luỹ kế tới 600 tỷ đồng. Dĩ nhiên, đại gia này chưa một lần phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách Việt Nam.

Chính vì thế, Metro luôn bị đặt nghi vấn về chuyển giá. Thế nhưng, ông Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng lại rất bình tĩnh.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm về vấn đề này do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 29/10, ông Hoàng nói: "Không nên chụp mũ mà cần có bằng chứng xem xét đúng pháp luật. Tôi không đồng tình với các nhận định chung chung. Chuyển giá là câu chuyện của cả thế giới. Trường hợp này, tôi chưa có thông tin nên xin phép chưa có bình luận".

Ông Hoàng bày tỏ: "Việc DN mở rộng sản xuất là bình thường, thua lỗ mà vẫn mở rộng sản xuất, kêu gọi thêm vốn cũng là bình thường. Chúng ta cần phải nghĩ một cách lành mạnh câu chuyện đó".

{keywords}

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, không thể vì một vài doanh nghiệp FDI chuyển giá mà nói các doanh nghiệp FDI đều chuyển giá

Theo ông, có những trường hợp cá biệt, lợi dụng chính sách để chuyển giá, nhưng không thể vì một vài doanh nghiệp FDI chuyển giá mà nói các doanh nghiệp FDI đều chuyển giá. Đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.

"Khi chưa có bằng chứng thì chỉ nên âm thầm xử lý. Các nước khác đều không đưa vấn đề này lên rộng rãi vì ảnh hưởng môi trường đầu tư. Thậm chí, kể cả khi mới chỉ có nghi vấn thì cũng không nên công bố. Tôi đề nghị phải thận trọng trong việc này", vị Cục trưởng này nhấn mạnh nhiều lần quan điểm này.

"Chúng tôi nhìn tổng thể từ khâu đầu đến khâu cuối, không phải chỉ mỗi thuế. Phần lớn doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là nghiêm túc, có đóng góp tích cực, đáng kể cho nền kinh tế hiện nay", ông Hoàng cho biết.

Truy vết FDI chuyển giá

Trái với lo ngại làm xấu môi trường đầu tư nếu công bố nghi vấn chuyển giá trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục thuế nói: "Ông Hoàng cần giải thích với các nhà đầu tư yên tâm rằng, Chính phủ Việt Nam rất công tâm và công bằng".

Ông Phụng lý giải, các DN nằm trong tầm ngắm thanh tra chống chuyển giá là đều có dấu hiệu nghi vấn với các tiêu chí rất rõ ràng.

{keywords}

8 tháng đầu năm, ngành thuế đã rà soát 39.637 doanh nghiệp, phát hiện 1.938 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá

Cụ thể, ông cho biết, dấu hiệu phổ biến là lỗ mà DN vẫn mở rộng hoạt động sản xuất, quảng cáo liên tục có quy mô lớn. Vì ai đi kinh doanh là đều muốn 1 vốn 4 lời, không ai muốn lỗ cả, nếu vào đây nhiều năm mà vẫn lỗ thì cơ quan thuế có quyền nghi ngờ.

Những trường hợp có nguy cơ chuyển giá thường sẽ tập trung ở nhóm những doanh nghiệp có công ty mẹ ở nước ngoài cung ứng nguyên liệu vật tư đầu vào, hoặc có hợp đồng li -xăng, sử dụng các sản phẩm sở hữu trí tuệ từ công ty mẹ, hoặc các công ty đến từ các thiên đường thuế.

Theo ông Phụng phân tích, xu hướng chung của các DN sẽ luôn tìm kẽ hở của chính sách để giảm thiểu số thuế phải nộp. Việc tránh thuế, né thuế như vậy là hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp. Việc này khác với việc trốn thuế.

Các tập đoàn lớn hiện nay kinh doanh ở nhiều quốc gia với các chính sách thuế khác nhau. Doanh nghiệp thường sẽ chuyển lợi nhuận từ nơi có mức thuế cao sang nơi có mức thuế thấp để nộp thuế ở mức thấp. Như vậy, xét về lý thuyết, nếu các nhà đầu tư đến từ nơi có thuế thấp hơn Việt Nam thì sẽ có xu hướng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, còn nếu họ đến từ nơi có thuế cao hơn Việt Nam thì sẽ chuyển lợi nhuận về Việt Nam để hưởng ưu đãi hơn. Giữa các quốc gia cũng đấu tranh với nhau về việc này.

Ông Phụng nhấn mạnh: "Việc của chúng tôi là phải làm rõ các hành vi điều chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp là hợp pháp hay không hợp pháp".

Tuy nhiên, một trong nhiều khó khăn hiện nay là thanh tra chống chuyển giá tuân theo Luật Thanh tra, với các ràng buộc về thời hạn có hiệu lực của vụ việc. Thời gian bình quân chỉ có 70 ngày cho một cuộc thanh tra giá. Trong khi ở nhiều nước, một cuộc thanh tra chống chuyển giá cũng phải mất từ 18-24 tháng, thậm chí mất đến 3 năm.

Ngành thuế đã từng đề xuất trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế nhưng không được chấp thuận.

TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ, chuyển giá sẽ làm méo mó môi trường đầu tư. Ông khuyến nghị, chống chuyển giá sẽ phải hết sức thận trọng, làm cho doanh nghiệp tâm phục khẩu phục. Sự thành công của cuộc chiến này còn phụ thuộc vào thể chế và sự quyết tâm chính trị cao.

Bộ Tài chính mới đây đã công bố, 8 tháng đầu năm, ngành thuế đã rà soát 39.637 doanh nghiệp, phát hiện 1.938 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, ngành thuế đã truy thu 1.317,9 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.

Năm 2015, ngành thuế sẽ tập trung vào 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá trong tổng số các doanh nghiệp kiểm tra.

Phạm Huyền