- Gần 30 năm, từ ngày đỉnh đèo Hải Vân còn hoang sơ, thì lão nhà thơ xuất hiện và bắt đầu công cuộc khai phá dựng nhà, trồng cây, mở quán. Giờ đây, trên đỉnh đèo đã hình thành cả một làng chuyên buôn bán hàng hóa cho khách du lịch.

Giám đốc... Lại Phiền Hà

Tên họ đầy đủ của lão nhà thơ kiêm giám đốc nhà vệ sinh công cộng WC Service trên đỉnh đèo Hải Vân là Lại Thanh Hà, nhưng bạn bè lại chế cho lão cái tên... Lại Phiền Hà.

Ông Hà sinh năm 1954, quê gốc Thanh Liêm, Hà Nam. Ông không được học nhiều, chỉ biết đọc, biết viết. Năm 1975, ông tham gia xây hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), đến 1977 vào Quảng Nam lái xe lu xây hồ chứa nước Phú Ninh. Xây xong hồ, ông lại về lái xe cho lãnh đạo. Nhưng rồi, vì đam mê làm thơ nên ông đã bỏ nghề. Năm 1989, ông lên đỉnh Hải Vân xây nhà vệ sinh và tự phong cho mình chức giám đốc .

Nói về nhà vệ sinh công cộng WC Service, đây là cả một câu chuyện kinh doanh thời bao cấp “lấy lỗ làm lãi”.

{keywords}
Lão giám đốc nhà vệ sinh miễn phí trên đỉnh đèo Hải Vân

Lão kể, khi bỏ nghề tài xế, ông về bán nhà được hơn 3 cây vàng rồi ôm lên đỉnh đèo Hải Vân hì hục khai sơn phá thạch, rồi mua xi măng sắt thép gùi lên xây nhà vệ sinh phục vụ cho hành khách qua lại. “Đại công trình” này ngốn của ông đúng một căn nhà ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

“Cái nhà này với cái vườn rộng để lại, đến giờ cũng có giá hơn 3 tỷ đồng. Hồi đó tôi bán 3 cây vàng rồi ôm lên đỉnh đèo xây cái nhà vệ sinh để phục vụ hành khách qua lại mỗi khi dừng xe, tránh gây ô nhiễm khu vực đỉnh đèo Hải Vân. Thế là lãi rồi, sao gọi là lỗ” - lão cười.

Bán nhà để xây nhà vệ sinh trên đỉnh đèo Hải Vân heo hút vào năm 1989 là cả quá trình gian khó. Nhiều người thân cũng như Mắm “đại ca” - vợ ông - đều bảo lão ấm đầu, là hâm không chịu được. Mặc ai nói, ai khen, ai chê ông vẫn quyết tâm đầu tư công trình thế kỷ - “dự án” đầu tư vô tiền khoáng hậu trong đời ông muốn chứng minh đó là công việc làm tử tế mang lợi ích cho cộng đồng.

“Hồi đó xây được cái khu nhà vệ sinh đầy đủ trang thiết bị là cả một kỳ tích, bởi thiết bị vệ sinh lúc đó đắt lắm, phải đặt hàng chuyển từ nước ngoài về chứ ở Việt Nam chưa có” - lão kể.

Ròng rã 6 tháng trời, khu nhà vệ sinh 2 buồng riêng biệt giành cho khách nam và nữ nằm sau vách núi, cách mặt đường hơn 50 m được hoàn thành đưa vào khai thác đầu năm 1990. Ông kiêm luôn chức quản lý thu tiền.

{keywords}

{keywords}

{keywords}
Ông mở NICEVIEW để khách du lịch có thể lên đây ngắm cảnh đèo hùng vĩ

Ông chủ của... không gian đẹp

Ngoài khu nhà vệ sinh, ông bắt đầu dựng một hàng quán nhỏ để buôn bán các loại mặt hàng, từ hộp sữa, chai nước, đến cái khăn mặt, rồi bánh kẹo các loại phục vụ hành khách trên con đường thiên lý Bắc - Nam.

Thu nhập từ cái nhà vệ sinh đủ nuôi sống lão cùng người vợ được ông đặt biệt danh Mắm “đại ca”, cùng 3 đứa con ruột và 1 đứa con nuôi. Cuộc sống lay lắt cứ thế êm đềm trôi qua trên đỉnh đèo heo hút và khá dần lên nhờ nguồn thu chủ yếu từ nhà vệ sinh công cộng mà ông đầu tư.

Hàng ngày lão ngồi gác thu tiền và làm thơ, còn vợ con thì buôn bán lặt vặt. Những lúc rảnh rỗi không có khách là lão lại hì hục đào núi mở đường, xây dựng khu không gian đẹp được ông đặt tên là NICEVIEW để du khách ngắm cảnh trên đỉnh đèo miễn phí.

Hỏi chuyện thu nhập từ nghề làm quản lý nhà vệ sinh trên đỉnh đèo Hải Vân, ông cười chẳng trả lời rồi cất giọng ồm ồm đọc: “Bao năm công tác công toi/Ngồi coi người ị cầm roi dạy mình/Thôi làm công việc người khinh/Mong sao giữ được nghĩa tình trong ta/ Nhắc ta chớ có phiền hà/Đừng thơ thẩn nữa họa mà đến thân… ”.

{keywords}
Làng kinh doanh trên đỉnh đèo

Dặn mình là vậy, nhưng lão vẫn cứ làm thơ và làm giàu theo kiểu kinh doanh “lấy lỗ làm lãi”. Sau khi xây dựng xong nhà vệ sinh công cộng, ông lại hì hục đào núi, vác đá xây kè, đào mương uốn dòng thác chảy để xây dựng vườn hoa cây cảnh trong vòng hơn 5 năm.

Ngay cái không gian đẹp mà ông lão đặt tên tiếng Tây là NICEVIEW cho du khách ngắm cảnh trên đỉnh đèo miễn phí, cũng là công sức ông bỏ ra xây trong 5 năm trời.

Nếu nhà nước quy hoạch du lịch trên đỉnh đèo Hải Vân thì lão bảo sẵn sàng rút lui bàn giao. Đưa tay chỉ dưới chân đèo sát làng Vân, lão bảo ở đó lão có 20 ha đất trồng rừng, nhà nước quy hoạch làm khu du lịch làng Vân nên chắc được đền bù một số tiền, lấy tiền đó tiếp tục đầu tư cái khác lo chi.

Đến giờ toàn bộ hàng quán lão xây dựng đã bàn giao cho vợ lão và mấy người con cai quản. Riêng khu nhà vệ sinh công cộng và khu không gian đẹp NICEVIEW lão mở cửa miễn phí cho du khách do đã hoàn vốn.

Vũ Trung