Trong quá trình điều tra, tìm hiểu vụ việc trung tá công an Bùi Minh Thắng uống rượu say, lái ôtô tự gây tai nạn, nhưng sau đó, đã dụ dỗ người khác “đóng thế” lái chiếc xe, lừa công ty bảo hiểm để chiếm đoạt gần 350 triệu đồng, phóng viên đã phát hiện thị trường bảo hiểm ôtô hiện nay như một “ma trận”.

Nhiều người thông qua “cò” bảo hiểm giở đủ chiêu trò gian lận để móc tiền từ công ty bảo hiểm. Không ít trường hợp, người có vai vế hay có mối quan hệ đặc biệt nên “móc ngoặc” với công an và cán bộ thẩm định để trục lợi bảo hiểm. Thực trạng này gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp.

“Cò” chính là nhân viên Cty BH

Tương tự vụ việc liên quan đến trung tá Bùi Minh Thắng (Công an Hậu Giang), một vụ việc gây xôn xao dư luận là vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hồi tháng 8.2015. Khi tiếp nhận hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm nhận thấy chủ xe và người được ủy quyền có tác động để ra biên bản giải quyết tai nạn sơ sài, đẩy trách nhiệm sang bảo hiểm đòi bồi thường hơn 800 triệu đồng. Sau thời gian điều tra, doanh nghiệp BH đã khước từ bồi thường khi chứng minh được nồng độ cồn trong máu của lái xe vượt quá rất nhiều giới hạn cho phép. Trong khi chứng lý này đã không được kê khai trong hồ sơ yêu cầu bồi thường của chủ xe.

{keywords}

Minh họa của ĐAN

Xung quanh những vụ việc này xuất hiện những nhân vật, gọi là “cò bảo hiểm”, tình trạng “cò” BH xe cơ giới xuất hiện tràn lan mọi nơi, mọi lúc.

Tại Hà Nội, khi xe tai nạn đi làm BH nếu theo đúng thủ tục có thể mất hàng tuần, thậm chí phức tạp có thể mất hàng tháng. Tuy nhiên, luôn luôn có đội ngũ “cò” BH đứng sau các chủ xe với thời gian làm BH chỉ tính bằng ngày. Cò BH là người trực tiếp tham gia vào quá trình làm BH cho xe cơ giới. Có thể đó là CSGT, nhưng đa phần là các nhân viên thẩm định của Cty BH. Về mức phí cho “cò” mỗi vụ chiếm tới 30-40% số tiền chênh mà khách hàng được hưởng.

“Nếu xe anh bị thủng vỏ, máy bị hỏng, phải gọi xe cứu hộ về ga ra. Nếu sửa mất 60 triệu, anh khai lên 100 triệu thì bọn em chỉ xin anh 15 triệu thôi”- một cò cũng là nhân viên của Cty BH nói.

Anh Thanh một người có thâm niên lâu năm trong việc xử lý các vụ TLBH tiết lộ muôn kiểu trò gian lận mà các chủ xe ôtô và các “cò” đang dùng. Trò phổ biến nhất là các chủ xe tự tháo gương rồi báo bị mất cắp để được Cty BH bồi thường. Sau khi được bồi thường gương mới, chủ xe lại đem gương đó đi bán lại ở chợ trời để kiếm lời.Ngoài ra, nếu xe bị va chạm ở mức độ nặng mà chưa có BH, một số chủ xe còn thông qua cò giở trò tráo biển số. Cụ thể, chủ xe tìm một chiếc xe có nhãn hiệu y hệt để lắp biển số thật vào để đăng ký mua bảo hiểm. Đến khi bảo hiểm có hiệu lực áp dụng thì chủ xe mới tráo lại biển số và báo xe mình gặp tai nạn để nhận tiền bồi thường. “Tất cả những việc trên nếu phải có bàn tay của cò là nhân viên BH”, anh Thanh kết luận.

Sau nhiều vụ bị khách hàng lừa gạt để TLBH, hiện nay các Cty BH áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa. Đại diện của Cty BH cho biết ngay khi khách hàng gặp tai nạn, khách hàng được yêu cầu gọi ngay vào đường dây nóng (hot line) của Cty BH và bật ứng dụng đặc biệt trên điện thoại di động (app) để ghi lại hình ảnh hiện trường vụ va chạm. Trong app điện thoại sẽ có định vị GPRS vị trí xảy ra tai nạn, ngày giờ vụ việc xảy ra và truyền trực tiếp hình ảnh cho Cty BH. Sau đó các nhân viên BH sẽ cử người đến hiện trường xác minh, nhân viên BH này cũng có nhiệm vụ gửi ngay hình ảnh qua app về trực tiếp Cty BH.

Tuy nhiên cũng theo nhân viên BH thì việc cài đặt công nghệ cao vào điện thoại cũng không đề phòng trước được. Cò B đặt ra giả thiết, nếu khách hàng và nhân viên BH thân thiết thì hoàn toàn có thể tạo hiện trường giả để gạt Cty.

“Xe anh bị va quệt nhẹ cách đây 1 tuần, nếu gọi BH ngay sửa chữa mất khoảng vài triệu. Nhưng nếu anh gọi em (nhân viên Cty BH) giám định thì em sẽ báo về xe anh bị hỏng nặng, thủng vỏ xe, hỏng cánh xe. Tuy cả anh và em cùng gửi ảnh về nhưng xem ảnh thì nhân viên ở Cty không thể phân biệt được vết xước thân xe cũ hay mới, hay mức độ hỏng thế nào”, cò B nói.

{keywords}

Chiếc xe Camry mang biển số tứ quý 8888 do trung tá công an Bùi Minh Thắng tự gây tai nạn năm 2012.

Cần chế tài mạnh hơn

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, từ năm 2007-2014 phát hiện được 64.000 vụ việc TLBH với tổng số tiền trục lợi lên tới 850 tỉ đồng, bình quân 110 tỉ đồng/năm, tăng bình quân 31,5%/năm. Nhìn nhận về số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm mà các Cty BH phát hiện từ TLBH, ông Phùng Đắc Lộc (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) cho rằng số tiền đó mới chỉ tảng băng chìm. “Số tiền thực mà các DN bảo hiểm phải bỏ ra từ các hành vi trục lợi cao hơn nhiều”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, TLBH có những hình thái riêng thể hiện ở các hành vi chủ yếu. Thứ nhất, mua BH khi tổn thất đã xảy ra. Thứ hai là thay đổi hiện trạng, hiện trường để hợp thức hóa thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mức độ thiệt hại từ phạm vi không được BH thành phạm vi thuộc trách nhiệm doanh nghiệp BH chi trả tiền BH. Thứ ba, không có tổn thất khai báo tổn thất để được bồi thường. Thứ tư là khai tăng hoặc làm lớn thiệt hại để đòi bồi thường và thứ năm là tự hủy hoại tài sản, thân thể để được bồi thường.

Theo ông Lộc, những hành vi TLBH như trên rất tinh vi, đặc biệt, người đòi bồi thường đã được bác sĩ, bệnh viện, cơ quan chức năng, cơ quan giám định giám định. “Thậm chí cả đại lý BH tiếp tay cho hành vi trục lợi, làm khó khăn cho công tác điều tra, khó tìm được tội danh để khởi tố điều tra”.

Ông Phùng Đắc Lộc cho biết: Nếu trước đây hành vi TLBH được vận dụng các quy định về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức; tội tham ô tài sản... tại Bộ luật Hình sự hiện hành để xử lý. Tuy nhiên, các tội danh này chưa phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của hành vi TLBH, khó áp dụng xử phạt. Hiện hành vi này được đưa vào tội danh “Trục lợi kinh doanh bảo hiểm” trong Bộ luật Hình sự, sẽ có tác dụng răn đe. Có luật rồi người dân sẽ tích cực tố giác hành vi phạm tội về TLBH hơn như vụ CSGT trục lợi 350 triệu đồng tiền BH tại Hậu Giang mà báo Lao Động vừa đưa ra”, ông Lộc nói.

Phạt tới 10 năm tù tội “Trục lợi trong kinh doanh BH”

Đầu tháng 12 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, trong đó, Điều 217 quy định: Thực hiện một trong các hành vi chiếm đoạt tiền BH có giá trị từ 20 - 100 triệu đồng thì bị phạt tiền gấp từ 2 - 3 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Làm sai lệch thông tin khi sự kiện BH đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng BH trừ trường hợp luật quy định khác; lập hồ sơ giả, hiện trường giả hoặc thay đổi tình tiết về tổn thất, sự kiện BH; khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 lần số tiền BH bị chiếm đoạt hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; trục lợi số tiền BH có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Trục lợi số tiền BH có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

(Theo Lao động)