Cổ phiếu của Bầu Đức liên tiếp bị rớt giá trong thời gian gần đây, doanh nghiệp bất động sản từng một thời hoành tráng như Quốc Cường Gia Lai gặp khó khăn và đại gia Nguyễn Đức Chi Rusalka tái xuất là những vấn đề nổi bật của giới doanh nhân trong tuần vừa qua.

Đại gia Nguyễn Đức Chi Rusalka: Tái xuất sau khi ra tù

Dự án có cái tên mỹ miều Nàng tiên cá tại Khánh Hòa từng một thời được biết đến với tên tuổi của ông chủ Nguyễn Đức Chi. Nếu đúng như quy hoạch và tiến độ thì dự án này rộng 44ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng; thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

{keywords}

Dự án trên giấy đã gặp nhiều trắc trở khi ông Chi bị bắt về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “sử dụng trái phép tài sản”. Cả khu nghỉ dưỡng bị bỏ hoang từ đó tới nay.

Sau khi ra tù, ông Chi đã tái khởi động lại dự án nhưng đang còn nhiều vướng mắc. Vấn đề lớn nhất là nợ nần với nhà thầu chính Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC).

Mua hớ cổ phiếu bầu Đức

Hai đối tác đã ngậm trái đắng cổ phiếu của công ty Bầu Đức, ngay sau khi mua vào, hai đối tác chiến lược của HAGL Agrico đã lỗ gần 1.100 tỷ đồng.

Ít ai ngờ rằng, chỉ trong vỏn vẹn 4 tháng, HNG đã lao dốc nhanh về mức giá 8.300 đồng hôm 18/2/2016 và đóng cửa ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu hôm 23/2.

Dù vậy, hai đối tác chiến lược vẫn thực hiện cam kết và mua cổ phiếu HNG với mức giá “không tưởng” 28.000 đồng/cổ phần, dù thực tế, thanh khoản vài phiên gần đây của HNG đã tăng đột biến, với hơn 40 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HOSE.

Hai đơn vị này là Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh.

Mẹ Cường đôla cầm cố tài sản

Bà Nguyễn Thị Như Loan mẹ Cường đô la đã cầm cố tài sản vay ngân hàng hơn 1.600 tỷ để đầu tư vào khu dân cư Phước Kiển với giá trị đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Số tiền nói trên được bà Loan vay tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với lãi suất 11,5%. 

Dự án khu dân cư 6A Phước Kiển được xếp vào hạng mục hàng tồn kho của công ty do đang trong quá trình triển khai. Dự án rộng 93 ha tại huyện Nhà Bè, TP HCM được chấp thuận đầu tư năm 2010 và có quy mô 3.798 tỷ đồng.

{keywords}

Theo thống kê năm 2015, cổ phiếu của Công ty Quốc Cường Gia Lai đã "bốc hơi" khoảng 46,3%. 

Sếp bất động sản lo siết tín dụng

Thông tin về việc sắp tới nguồn tín dụng cho thị trường BĐS sẽ bị thắt chặt đang khiến nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp trong ngành lo lắng. Chẳng bao lâu sau khi ngân hàng mở hầu bao với thị trường thì nay cánh cửa đang có nguy cơ đóng lại.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản TPHCM, sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Việc siết tín dụng vào bất động sản chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản (có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang), và trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng.

Còn theo lãnh đạo HH BĐS Việt Nam, việc sửa đổi điều chỉnh thông tư 36 trong giai đoạn hiện nay chưa cần thiết. Thị trường trong giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học quá khứ, chưa xuất hiện hiện tượng "bong bóng" bất động sản nên chưa cần siết chặt tín dụng như giai đoạn trước.

Xem xét kỷ luật Chủ tịch Đường sắt Việt Nam

Liên quan tới vấn đề nhập tàu cũ từ TQ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện các quy trình thủ tục xem xét việc kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN. 

{keywords}

Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban Lãnh đạo Tổng công và các cán bộ có liên quan theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/3.

Trước đó, liên quan đến việc này, ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã bị cách chức, điều chuyển công tác.

Bảo Anh (Tổng hợp)