- Nợ công sắp đụng trần Quốc hội đề ra nhưng vẫn chưa tới mức xảy ra khủng hoảng, nhưng những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng để thoát suy giảm và tránh bị bỏ xa so với các nước trong khu vực có thể khiến Việt Nam rơi vào cú sốc.


Khó đạt mục tiêu tăng trưởng

“Giờ đã là tháng 10, không còn nhiều thời gian để thay đổi, để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7%. Chính phủ cũng đã có một số chính sách để thúc đẩy tăng trưởng nhưng nếu tăng nhanh thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định khi tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng của VN xuống 6%.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã 2 lần liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 xuống 6% trong báo cáo cuối tháng 9 vừa qua, so với 6,2% trong dự báo hồi tháng 4/2016 và 6,6% cuối 2015.

Theo ông Eric Sidgwick, cho dù nợ công sắp đụng trần quốc hội đặt ra nhưng không có khả năng khủng hoảng. Theo đó, nợ công tăng mạnh trong vài năm qua bởi thâm hụt ngân sách duy trì trong một thời gian dài.

Theo ông Eric Sidgwick, trong các báo cáo của Chính phủ, Việt Nam cũng rất tập trung vào vấn đề kiểm soát nợ công. Giải pháp cũng khá rõ ràng là tăng nguồn thu và giảm các khoản chi, nhất là chi thường xuyên.

{keywords}
ADB cam kết cho VN vay 1 tỷ USD/năm trong giai đoạn mới.

“Có nhiều giải pháp. Đầu tiên có thể làm là: trong phần thu, xem xét thuế đã tương xứng so với của một quốc gia có mức phát triển tương đương chưa? Có ý kiến cho rằng, nguồn thu thuế tăng lên. Điều này không có nghĩa là, cần tăng thuế suất, thuế mới, có thể có, có thể không, nhưng có tăng diện thu thuế. Xem các biện pháp miễn thuế ảnh hưởng tới thu thuế như thế nào? Có cần thiết hay không”, Eric Sidgwick chia sẻ.

Cũng theo ông Eric Sidgwick, trong phần chi ngân sách, chi thường xuyên bao gồm phần tiền lương rất lớn, như thế có hợp lý hay chưa? Đây là lĩnh vực Chính phủ cần xem xét. Còn về đầu tư thì khó hơn, theo đó, Việt Nam có nhu cầu đầu tư để phát triển. Mặc dù vậy, vấn để chất lượng và hiệu quả đầu tư là đáng bàn.

Ông Eric Sidgwick cho rằng, tăng trưởng kinh tế càng cao càng tốt nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng như thế nào, tính bền vững có hay không. Nhiều quốc gia tăng trưởng nhanh, nhưng sau đó chững lại và sụt giảm do tăng trưởng không được duy trì và cân đối hợp lý. Những quốc gia như thế không bền vững. Vấn đề là tăng trưởng duy trì được trong bao lâu mà không quá nóng và không để lại hệ lụy cho sau này.

ADB và trước đó là  WB đều cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Tăng trưởng đang gây thiệt hại về môi trường và Việt Nam có nguy cơ cao trước biến đổi khí hậu…

Nhu cầu đầu tư lớn

Về nợ công, dù đã tiến sát tới trần 65% nhưng ông Eric Sidgwick khẳng định ADB vẫn tiếp tục các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam và sẵn sàng mở rộng quy mô hỗ trợ nếu Chính phủ VN bổ sung các nguồn lực.

Theo Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) giai đoạn 2016-2020, ADB sẽ tiếp tục duy trì khoản vay khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam. Nguồn vốn lãi suất thấp sẽ được áp dụng tới hết 2018. ADB cũng sẽ tiếp tục huy động khoảng 1,4 tỷ USD đồng tài trợ, bổ sung cho vốn vay. Ngoài ra Việt Nam có thể tiếp cận các quỹ khí hậu toàn cầu. Hiện đã có 1 loạt quỹ Việt Nam có thể tiếp cận. Đây là các nguồn tài trợ không hoàn lại cho các biện pháp và giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Nguồn vốn lãi suất thấp sẽ kết thúc vào tháng 3/2019.

{keywords}

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB cho biết, theo CPS giai đoạn mới, ADB sẽ tập trung vào việc giúp VN cải thiện hiệu quả chi tiêu công, trong đó có việc xây dựng hệ thống lập chi công dài hạn hợp lý hơn và bên cạnh đó là quản lý tài sản công trong đó có tài sản là cơ sở hạ tầng tạo ra từ ngân sách nhà nước. Vấn đề nâng cao trách nhiệm giải trình trong chi tiêu công cũng sẽ được nhấn mạnh.

Theo CPS giai đoạn mới, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được 3 kết quả chủ chốt. Đó là thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn, và cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Liên quan tới vốn cho nền kinh tế, ADB cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 8% là cao so với các quốc gia khác trong khu vực nhưng điều đó không có nghĩa là xấu. Vấn đề NH này quan tâm là tín dụng đang đi vào đâu, vào lĩnh vực tốt hay kém hiệu quả. Eric Sidgwick cho rằng nếu tín dụng chảy mạnh vào BĐS thì rủi ro cao hơn bởi tín dụng cao đã từng hình thành bong bóng BĐS ở nhiều nơi.

Về vấn đề nợ xấu của hệ thống NH, đại diện ADB cho rằng, vấn đề này chưa được giải quyết thực sự. VAMC được Về mặt bản chất, nợ xấu chỉ chuyển từ bảng cân đối tài chính của ngân hàng sang VAMC chứ không được giải quyết. Do đó, chính phủ cần sớm đưa ra phương án cụ thể và rõ ràng để đảm bảo sự hoạt động liền mạch của hệ thống tài chính Việt Nam.

V. Hà