Sức hấp dẫn từ vi mô tới vĩ mô khiến nhóm ngân hàng bùng nổ và được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi mà nhiều đại gia mới xuất hiện. Hàng loạt cổ phiếu đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua nhưng sức cầu vẫn còn lớn.

Sóng lớn ngân hàng

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa gửi thông báo đến cổ đông về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/3 để đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

TPBank sẽ lên sàn vào tháng 4/2018 và là ngân hàng thứ 2 trong 10 ngân hàng dự kiến lên sàn trong năm nay sau thành công rực rỡ của cổ phiếu VPB (Ngân hàng VPBank) của ông Ngô Chí Dũng và HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trong vài tháng vừa qua.

Trước đó, hồi tháng 11/2017, TPBank đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án niêm yết trên HOSE, khóa room ngoại và chào bán 33,5 triệu cổ phần (4,99% vốn) cho nhà đầu tư nước ngoài (PYN Elite Fund) và 54,1 triệu cổ phần (8,05% vốn) cho các nhà đầu tư trong nước. Đến cuối tháng 12/2017, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo đã nhận đủ hồ sơ niêm yết cổ phiếu của TPBank.

{keywords}
 

Theo kế hoạch, trong năm 2018, một loạt ngân hàng nữa dự kiến cũng lên sàn gồm: NamABank, Techcombank, MaritimeBank, SeABank, OCB, SaigonBank, ABBank, VietABank, góp phần mang lại sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu ngành này.

Trong khoảng hơn 1 năm vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sức hút mạnh mẽ đối với giới đầu tư. Thị trường chứng kiến phiên chào sàn hiếm có tăng kịch trần hôm 5/1 của cổ phiếu HDBank với hơn 32 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua hơn 5 triệu. Hay, cú chào sàn ấn tượng của VPBank (VPB) với 46 triệu cổ phiếu VPB được chuyển nhượng, trị giá tổng cộng 1,8 ngàn tỷ đồng, trong đó khối ngoại chi gần 1,5 ngàn tỷ đồng.

Cho tới nay, sức nóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn rất lớn.

Sau gần một thập kỷ không cổ tức và giá cổ phiếu trên thị trường OTC ở mức dưới mệnh giá, hàng loạt các cổ đông VPBank đã chốt lời khi cổ phiếu này vọt lên mức 3.x trước khi lên sàn. Và chỉ khoảng nửa năm sau, giá cổ phiếu VPBank hiện đã lên 64.000 đồng/cp. HDBank cũng đã lên tới 44.000 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức giá tham chiếu 33.000 đồng/cp chào sàn hồi đầu năm.

“Cổ phiếu vua” tiếp tục là trụ cột

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, nền kinh tế Việt Nam nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng đang trong một giai đoạn đặc sắc và hội tụ, trong đó định hướng tốt và sự cởi mở nhìn nhận vấn đề của Chính phủ là cốt lõi. Nó giúp hút dòng tiền khổng lồ từ Đông Nam Á, Đông Bắc Á về Việt Nam.

Trong vài phiên giao dịch gần đây, khi TTCK chịu áp lực chốt lời thì nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index duy trì ở vùng đình cao lịch sử. Hàng loạt cổ phiếu đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua nhưng sức cầu vẫn còn lớn.

Trong phiên giao dịch 15/3, cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) tăng trần, giúp VN-Index lấy lại được sắc xanh sau khi chịu áp lực giảm trong cả buổi sáng. Cổ phiếu CTG của Vietinbank, MBB của Ngân hàng Quân đội và HDBank đều tăng giá.

{keywords}
Sức nóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn rất lớn (ảnh minh họa - Ngọc Thắng)

Sở dĩ các cổ phiếu ngân hàng tăng nhanh và là trụ đỡ cho TTCK là bởi triển vọng chung từ tình hình kinh tế vĩ mô, ngành ngân hàng là rất tốt. Tăng trưởng GDP quý I/2018 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, ước đạt 7,41%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,1% quý I/2017.

Ngành ngân hàng được xem là một lĩnh vực rất tiềm năng bởi đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu, thu được nhiều kết quả. Nhu cầu tăng vốn và mở cửa rộng hơn cho khối ngoại cũng như kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc của hầu hết các ngân hàng cũng là cơ sở để cổ phiếu tăng giá.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, sau khi tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng vào guồng ổn định và tín dụng tăng trưởng một cách chất lượng trở lại. Câu chuyện thay đổi cung cách quản trị và áp lực tăng vốn sẽ đến và đó là lý do vì sao room ngoại sẽ được thí điểm nới ra.

Câu chuyện BID tăng giá gấp đôi trong thời gian qua và kỳ vọng dòng vốn ngoại, nhất là từ Hàn Quốc đổ vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây cũng khiến kỳ vọng nhóm ngân hàng tiếp tục là trụ cột của thị trường trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

Gần đây, theo truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam bằng việc trở thành cổ đông của BIDV và việc hợp tác chỉ còn bước cuối cùng là được sự chấp thuận của NHNN Việt Nam. Trước đó, Shinhan cũng đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam khi hoàn tất việc thâu tóm mảng bán lẻ của ANZ hay là Shinhan Card đã mua đứt Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam...

Theo ông Tuấn, nguy cơ đổ vỡ đối với ngành ngân hàng cũng đã qua từ lâu, từ 2015. Sau một cơn bạo bệnh, ngành ngân hàng hồi phục ấn tượng nhờ gặp ngay lúc giai đoạn dân số vàng cộng hưởng với tư duy kiến tạo của Chính phủ, nhà nhà người người làm ăn, nhu cầu vốn lên cực cao cho nên chỉ có gia tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, ngân hàng đang có dịch chuyển mảng tín dụng vi mô, giúp kích thích bùng nổ tiêu dùng mà rủi ro cũng thấp do chẻ nhỏ khoản vay. Cơ cấu lợi nhuận cũng dịch chuyển, từ 100% cho vay giờ dịch chuyển lần sang lợi nhuận từ mảng dịch vụ.

Cũng theo ông Tuấn, vừa qua, TTCK chịu rủi ro đảo nghịch dòng vốn do đợt sụt giảm mạnh trên TTCK thế giới, các quỹ phải tính toán và cơ cấu lại các nhóm tài sản và rủi ro bảo hộ thương mại tác động tới xuất khẩu. Nhưng tất cả gần như đã qua đi. Nhà nước cũng nhận diện tốt vấn đề và kích thích tiêu dùng nội địa. TTCK vượt đỉnh chỉ còn là vấn đề thời gian. Thị trường cần thời gian để hấp thụ lượng chốt lời cả năm 2017 và hình thành mặt bằng mới. Dòng tiền lớn trong và ngoại nước sẽ tiếp tục đẩy giá nhóm VN30 và đưa VN-Index lên.

M. Hà