Cơ quan thuế xử phạt mà không nêu các điều khoản cụ thể áp dụng khiến người vi phạm không nắm rõ việc vi phạm của họ.

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa đưa ra xét xử phúc thẩm lưu động vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là Công ty Cổ phần Mêkong (gọi tắt là công ty) và người bị kiện là tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hậu Giang do có kháng cáo của người khởi kiện.

Phân lô bán nền đất mộ: Phải nộp thuế

Theo hồ sơ, công ty trình bày được thành lập với mục đích duy nhất là đầu tư xây dựng dự án hoa viên nghĩa trang theo chính sách xã hội hóa lĩnh vực xây dựng nghĩa trang và theo quy định tại Nghị định 35/2008 (về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang). Trong quá trình thực hiện dự án từ năm 2008 đến 2009, công ty khai thác bán nền mộ để chôn.

Ngày 1-7-2014, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại công ty. Tám ngày sau, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định 717 về việc xử lý vi phạm về thuế theo kết quả kiểm tra đối với công ty. thời kỳ kiểm tra từ ngày 5-7-2008 đến

31-12-2013. Theo đó, cơ quan thuế đã truy thu, tính tiền chậm nộp đối với công ty là hơn 1 tỉ đồng và xử phạt công ty về khai sai thuế hơn 380 triệu đồng.

Không đồng ý với Quyết định 717, công ty khiếu nại thì cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hậu Giang và tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành hai quyết định giải quyết khiếu nại cùng không chấp nhận khiếu nại của công ty.

Cho là mình được ưu đãi thuế trong hoạt động xây dựng nghĩa trang, cách tính thuế của cục thuế là không đúng, đồng thời cho rằng việc bị bắt lỗi khai thuế sai không phải do lỗi của mình nên công ty đã khởi kiện, yêu cầu tòa hủy Quyết định 717 và hai quyết định giải quyết khiếu nại trên.

Xử sơ thẩm vào năm 2016, TAND tỉnh Hậu Giang đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của công ty. Sau đó, công ty kháng cáo toàn bộ bản án.

{keywords}

Nghĩa trang do Công ty Mêkong đầu tư xây dựng. 

Cơ quan thuế có phần lỗi

Tại phiên xử phúc thẩm của TAND Cấp cao vào ngày 13-10-2017, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho rằng Quyết định 717 vận dụng không đúng quy định pháp luật; kháng cáo của người khởi kiện có căn cứ, đề nghị tòa sửa án, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của công ty. Cụ thể, theo tòa phúc thẩm, các quyết định bị khởi kiện được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, tuy nhiên về nội dung, Quyết định 717 không nêu rõ các điều khoản cụ thể áp dụng, làm cho người vi phạm không nắm rõ sự vi phạm của họ.

Đối với phần truy thu và chậm nộp (thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)) tổng cộng hơn 1 tỉ đồng, theo tòa, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang xác định hoạt động phân lô bán nền đất mộ là hoạt động chuyển quyền sử dụng đất làm cơ sở tính thuế TNDN là có phần chưa đúng với khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Cụ thể, kinh doanh bất động sản là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi…

Xét kháng cáo của công ty đề nghị được áp dụng theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 35/2008 để hỗ trợ ưu đãi thuế TNDN, tòa cho rằng năm 2013 công ty có văn bản đề nghị Thủ tướng bổ sung lĩnh vực đầu tư xây dựng nghĩa trang thuộc danh mục đầu tư xã hội hóa được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế TNDN là 10%. Theo tòa, do chưa có văn bản chính thức của Chính phủ trả lời công ty vấn đề trên nên Cục Thuế tỉnh Hậu Giang không áp dụng ưu đãi thuế TNDN trong lĩnh vực xây dựng nghĩa trang đối với công ty là có căn cứ pháp luật. Công ty có thể tiếp tục đề nghị với Thủ tướng xem xét ý kiến của mình.

Từ đó, tòa bác kháng cáo của công ty đối với việc thu hồi quyết định liên quan đến việc truy thu và chậm nộp thuế hơn 1 tỉ đồng.

Về nội dung phạt hơn 380 triệu đồng đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế GTGT và thuế TNDN phải nộp, tòa phúc thẩm cho rằng cục thuế là cơ quan chuyên ngành quản lý thuế có thẩm quyền hướng dẫn và xử phạt đối với hành vi sai về thuế đối với công ty. Cục thuế đã vi phạm khoản 3 Điều 8 Luật Quản lý thuế 2006 về việc cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế; vi phạm khoản 2 Điều 113 Luật Quản lý thuế 2006…

Việc sai sót áp dụng thuế đối với công ty là của cục thuế nên có cơ sở chấp nhận kháng cáo của công ty về phần này. Từ đó, tòa hủy một phần Quyết định 717 và hai quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến nội dung phạt hành chính này.

Điều 6 Nghị định 35/2008 về hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng nghĩa trang

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nghĩa trang theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang được Nhà nước:

a) Cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất;

b) Hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào;

c) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tùy theo quy mô, hình thức đầu tư, công nghệ được áp dụng và tác động đến môi trường của dự án;

d) Hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

3. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng nghĩa trang và sử dụng các hình thức táng mới văn minh hiện đại, góp phần thay đổi tập quán cũ, tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường, tùy theo tình hình cụ thể và khả năng của mình, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ chi phí táng cho những người sử dụng dịch vụ này.

(Theo Pháp luật TP.HCM)