Đại gia phân đạm số 1 Việt Nam sắp hết thời kỳ “trăng mật” và đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng, triển vọng kinh doanh u ám do những thay đổi về chính sách giá khí đầu vào và nguồn cung không đủ.
Nếu không có gì thay đổi, chỉ vài tháng nữa, bắt đầu từ đầu năm 2019, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (DCM) - một trong 4 ông lớn phân đạm Việt Nam sẽ chịu một đòn giáng chí tử, khiến doanh nghiệp sẽ từ lãi chuyển sang lỗ nặng.
Theo đó, bắt đầu từ 2019, Đạm Cà Mau sẽ phải mua khí ở một mức giá cao hơn rất nhiều so với hiện tại sau khi hưởng mức giá ưu đãi mà PetroVietnam (PVN) áp dụng cho doanh nghiệp này kể từ sau khi cổ phần hóa cuối 2014 cho tới hết năm 2018.
Theo cam kết trước đó, PetroVietnam áp giá khí cho DCM đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12%, tương đương với giá khí bán cho doanh nghiệp này khoảng 3 USD/triệu BTU. Đây là một mức giá ngang ngửa với giá khí trung bình áp dụng với các doanh nghiệp ngành phân bón trên thế giới, khi dầu thô WTI dao động trong khoảng 55-60 USD/thùng.
Với mức giá khí như hiện tại, Đạm Cà Mau có lợi nhuận và có thể trả lãi cho các khoản vay nước ngoài. Cổ đông cũng có cổ tức khoảng 8-9%/năm, một mức chấp nhận được trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Mức giá khí này cũng tương đương với giá mà DCM tính toán trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án (FS), áp dụng cho cả vòng đời dự án, bao gồm cả thuế VAT, chi phí vận chuyển và phân phối.
Tuy nhiên, giá khí bán cho Đạm Cà Mau từ đầu năm 2019 có thể sẽ tăng thêm gấp 1 vài lần so với giá hiện tại khi mà thời gian ưu đãi đã hết và giá dầu thế giới hiện tại ở mức cao 70 USD/thùng, chưa tính đến mức giá dự abos 100 USD/thùng mà nhiều tổ chức thế giới đưa ra gần đây.
Cú sốc đang đến gần của Đạm Cà Mau có thể sẽ giống và thậm chí còn nặng nề hơn so với Đạm Phú Mỹ (DPM).
Trong nhiều năm qua, ông lớn Đạm Phú Mỹ chứng kiến lợi nhuận liên tục đi xuống do giá khí nguyên liệu (chiếm gần 75% nguyên liệu đầu vào) ở mức cao. Giá khi trung bình của DPM là 4-6 USD/triệu BTU.
Theo FPTS, năm 2011, giá khí DPM mua là 3,62 USD nhưng đến 2012 tăng lên 6,43 USD. Nó khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này giảm giảm từ 66% xuống 52%. Năm 2016, giá khí giảm xuống 3,85 USD nhưng giá phân urea giảm mạnh khiến biên lợi nhuận chỉ ở mức 42%.
Với giá dầu thế giới tăng, dự kiến Đạm Cà Mau có thể sẽ phải mua khí ở mức giá cao hơn 2 - 3 USD/triệu BTU so với mức giá khí áp dụng với Đạm Phú Mỹ. Đây thực sự là một cú sốc đối với một doanh nghiệp vốn đang vay nợ rất nhiều.
Đạm Cà Mau còn chịu ảnh hưởng từ nguồn cung cấp khí không ổn định do Dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch. Bên cạnh đó, giá phân nhập khẩu rẻ do doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới mua được giá khí rẻ hơn rất nhiều so với giá khí trong nước.
Giá khí cao và không đủ nguồn cung cho sản xuất khiến Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trồi sụt bấp bênh và do vậy quá trình thoái vốn của PetroVietnam tại 2 doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại Đạm Cà Mau (hiện là hơn 75,5%) và Đạm Phú Mỹ (hiện hơn 61%) xuống 51% trong 2017-2018 và xuống 36% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2020.
Với giá khí tăng, Đạm Cà Mau nắm chắc lỗ lớn, giống như 2 nhà máy Đạm Hà Bắc và Ninh Bình. Hiện mỗi năm chi phí khấu hao và trả nợ của DCM khoảng 1,6 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoản nợ nước ngoài khi xây dựng dự án hiện còn gần 200 triệu USD.
Hiện tại, cổ phiếu DCM đang giao dịch quanh vùng giá 10.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 5,5 ngàn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 400 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu DPM dao động quanh ngưỡng 17.500 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường 6,9 ngàn tỷ đồng.
Ngày 11/12/2017, Đạm Cà Mau bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Nhà nước bán thành công gần 129 triệu cổ phiếu DCM với giá trúng bình quân là 12.251 đồng/cp, thu về 1,58 ngàn tỷ đồng.
H. Tú
Trầm Bê vào tù, đại gia Dương Công Minh dọn dẹp tài sản ngàn tỷ
Ngân hàng của ông trùm Dương Công Minh rao bán khối tài sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới ông Trâm Bê. Đại gia bất động sản khét tiếng một thời tiếp tục rời bỏ mảng đất đai, tập trung lĩnh vực tài chính.
Mới ăn 'quả đắng' bẽ bàng, đại gia này lại lộ đánh quả 'chui' ngàn tỷ
Sau vụ mua bán chui cổ phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng với đại gia ngoại VinaCapital, chủ tịch Yeah1 Group Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết đó chỉ là sơ suất nhỏ trong quá trình tái cấu trúc cổ đông.
Vay nóng chục ngàn tỷ, ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất
Hàng chục ngàn tỷ đồng được giao dịch ở mức lãi suất cao đáng ngạc nhiên trong bối cảnh chính sách và số liệu về tăng trưởng tín dụng cho thấy nhiều tổ chức đã sắp hết room cho những tháng cuối năm.
Quyết định lịch sử: 1 tháng xử lý 10 ngàn tỷ, 1 năm xoay chuyển tình thế
Một quyết định lịch sử được đưa ra trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục. Hàng loạt chuyển biến tích cực về nợ xấu đã được ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn phát sinh những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.