Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng chương trình vay vốn tín dụng đầu tư với lãi suất 0% tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam là Chương trình kiên cố hóa kênh mương và tôn nền vượt lũ.

Bộ Tài chính cho hay: Việc triển khai các chương trình vay vốn tín dụng đầu tư với lãi suất 0% tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng không nhỏ đến thực trạng khó khăn hoạt động, tài chính và tính thanh khoản của ngân hàng thời gian qua.

Cụ thể, Chương trình kiên cố hóa kênh mương được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay với lãi suất 0%, thời gian vay vốn là 5 năm, ân hạn 1 năm. Ngân sách nhà nước cấp vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện cho vay chương trình.

{keywords}
Chương trình kiên cố hóa kênh mương được đề nghị dừng vay vốn lãi suất 0%

Theo báo cáo của VDB, tính đến 30/6/2017 tổng số địa phương vay vốn chương trình này hiện nay vẫn còn dư nợ là 61 tỉnh, thành phố.

Tổng doanh số cho vay là hơn 51,8 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm VDB giải ngân hơn 3,2 nghìn tỷ đồng cho vay chương trình. Trong đó, năm giải ngân cao nhất là gần 13 nghìn tỷ đồng (năm 2013) và năm giải ngân thấp nhất là 980 tỷ đồng (2008). Tổng số thu hồi nợ gốc là hơn 37 nghìn tỷ đồng.

Số dư nợ tính đến 30/6/2017 là hơn 14,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó nợ quá hạn là 14,5 tỷ đồng. Chương trình dự kiến kết thúc trả nợ vào năm 2022.

Còn chương trình tôn nền vượt lũ, tổng số địa phương vay vốn chương trình này hiện nay vẫn còn dư nợ là 8 địa phương (Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long).

Tổng doanh số cho vay là hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm giải ngân 266 tỷ đồng.

Dư nợ đến ngày 30/6/2017 là gần 1,5 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 379 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, các quyết định của Thủ tướng nêu rõ nguồn vốn để triển khai cho vay các chương trình kể trên là do ngân sách nhà nước cấp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thực hiện, do tình hình ngân sách nhà nước khó khăn, không cân đối được nguồn để chuyển cho VDB nên từ năm 2010 đến nay đã giao cho ngân hàng này tự huy động 100% nguồn vốn “với lãi suất thị trường” để cho vay chương trình “với lãi suất 0%”.

Hiện nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu, nợ xấu tăng cao, tình hình tài chính ngày càng thâm hụt. Trong khi đó, cấp bù chênh lệch lãi suát và phí quản lý, vốn điều lệ, vốn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư,... chưa được bố trí đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới bố trí đủ để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB từ năm 2016 trở về trước.

Do đó, theo Bộ Tài chính, nếu tiếp tục giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện chương trình lãi suất 0% và VDB phải huy động 100% vốn để cho vay, đặc biệt khi việc huy động vốn trên thị trường khó khăn, lãi suất cao, ngân sách chưa có nguồn cấp bù chênh lệch lãi suất, thì ngân hàng này khó có thể triển khai cho vay các dự án đầu tư khác.

Căn cứ nhiều yếu tố khác, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho phép VDB không tiếp tục thực hiện cho vay Chương trình lãi suất 0%, tập trung thu nợ đến hạn và xử lý nợ quá hạn của các địa phương.

Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các Bộ: KH-ĐT, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước,... có ý kiến về đề nghị này của Bộ Tài chính.

L.Bằng