Sau khi sáp nhập, Sacombank gần như gục ngã trước các khoản nợ xấu mà Ngân hàng Phương Nam mang về. Năm 2015, Sacombank xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu lợi nhuận rất cao, hơn 3.000 tỷ đồng trước thuế, nhưng kết quả chỉ đạt được hơn 1.000 tỷ đồng, do phải gánh “cục” nợ xấu sau sáp nhập.

Vị thế của Sacombank chẳng mạnh hơn, mà hình như đang yếu đi, dù chi nhánh và đội ngũ có đông hơn. Các vấn đề sau khủng hoảng dù loại bỏ được những người sáng lập, HĐQT Sacombank đã thay đổi, lột xác hoàn toàn, nhưng chất lượng chưa thể nào khẳng định là tốt hơn trước được.

Vì vậy, mục tiêu thâu tóm Sacombank của gia đình ông Trầm Bê và những bên liên quan đến SouthernBank và đối tác Eximbank chưa thể nói là thành công.

Khủng hoảng sau sáp nhập?

Thế lực đi thâu tóm mà ai cũng biết đạo diễn chủ lực là gia đình ông Trầm Bê vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ những yếu kém mà Ngân hàng Phương Nam chuyển qua.

Ông Trầm Bê và những người liên quan buộc phải ủy quyền cho ngân hàng Ngân hàng Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần Sacombank thông qua số cổ phần được cổ đông ủy quyền.

{keywords}

Với hậu quả nợ xấu nghìn tỷ từ Ngân hàng Phương Nam chuyển qua, chưa biết bao giờ ngân hàng này mới thoát khỏi khó khăn.

Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất kiểm soát và chi phối Sacombank. Thậm chí, ông Trầm Bê và những người liên quan có trách nhiệm bổ sung thêm tài sản, nếu cần, để xử lý các nghĩa vụ nợ trong quá trình tái cơ cấu Sacombank.

Hầu hết số cổ phần mà nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê sở hữu trước khi ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước đều được thế chấp để vay vốn ở một số ngân hàng.

Nay, để rút được số cổ phần đó ra, họ phải đưa tài sản đảm bảo khác vào thay thế hoặc trả hết nợ vay. Số tiền vay (nghĩa vụ nợ) là không nhỏ căn cứ trên giá trị cổ phiếu của Sacombank. Thực chất, nợ xấu của Ngân hàng TMCP Phương Nam chủ yếu là cho vay bất động sản.

Như vậy, thoát được những kịch bản bị mua 0 đồng hoặc vướng vào vòng lao lý, nhưng kết cục của ông Trầm Bê cũng không phải hoàn toàn tốt đẹp. Sacombank_đã trở thành ngân hàng bị Nhà nước chi phối với cổ phần rất lớn.

Theo giải trình của Chủ tịch Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng, việc sáp nhập là theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về tái cơ cấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng và tạo thêm nguồn lực trong giai đoạn phát triển mới.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng của Sacombank kéo dài từ cuối 2011 cho tới nay cho thấy sự thâu tóm, sáp nhập không phải hoàn toàn là mầu hồng. Thực chất bên trong, những người đi thâu tóm với những toan tính rất táo bạo cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy nợ xấu do mình gây ra.

Cụ thể ở Ngân hàng Sacombank, sau sáp nhập, cứ tưởng ngân hàng sẽ mau chóng tăng trưởng mạnh, vươn tầm quốc tế, nhưng với hậu quả nợ xấu nghìn tỷ từ Ngân hàng Phương Nam chuyển qua, chưa biết bao giờ ngân hàng này mới thoát khỏi khó khăn.

Nhiều người trong giới đầu tư đã cho rằng những gì xảy ra ba năm qua và dự kiến sắp tới chưa ai biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo ở Sacombank. Ngân hàng này có thực sự đổi chủ và thay “máu”.

Biến động mạnh nhân sự cấp cao

Hiện tại, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đang vào cao điểm, nhưng Sacombank còn chưa nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 và chưa biết khi nào mới tổ chức ĐHCĐ và ai sẽ là người lãnh đạo mới? Ghế “nóng” ở Sacombank vẫn có thể lung lay, các thông tin trái chiều lên tục được đưa ra nên rất khó đoán định.

Lý do mà Sacombank chậm nộp báo cáo và tổ chức ĐHCĐ vẫn liên quan đến việc sáp nhập Southernbank trong năm 2015 và hiện nay phải chờ hướng dẫn, phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của NHNN.

Sacombank đề nghị tạm hoãn công bố thông tin báo cáo kiểm toán năm 2015 đến khi NHNN có văn bản hướng dẫn và phê duyệt phương án sau sáp nhập. Sacombank cho biết, đã có kế hoạch xử lý nợ xấu của Southernbank trong ba năm.

Như vậy, có thể NHNN sẽ điều động nhân sự vào điều hành ở Sacombank trong thời gian tới vì NHNN đang nắm cổ phần chi phối ngân hàng này. Ông Trầm Bê đã không tham gia điều hành Sacombank và ủy quyền toàn bộ cổ phần cho NHNN và cam kết không hủy ngang kể cả sau khi Sacombank đã hoàn thành sáp nhập Southernbank.

Tuy nhiên, theo một số cán bộ, nhân viên của Sacombank, ông Trầm Bê vẫn dõi theo, thậm chí giám sát, điều hành ngân hàng này. Bóng dáng ông Trầm Bê cùng các thành viên trong gia đình mình ở đây là rất lớn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và cổ đông lo ngại.

Trên thị trường gần đây cũng xuất hiện nhiều thông tin rằng liệu có khi nào người cũ đã từng nắm quyền điều hành Sacombank sẽ quay lại? Thực tế, những người sáng lập Sacombank đã có công gây dựng một thương hiệu ngân hàng bán lẻ là Sacombank khá vững chắc, tạo nền móng cho ngân hàng phát triển đến nay.

Do đó, nếu trường hợp trên có xảy ra, có thể cũng là điều tích cực cho chiến lược phát triển của ngân hàng này.

(Theo VnEconomy)