Ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến tài sản tăng thêm 1 tỷ USD trong vòng 4 tháng, vượt qua đại gia Hoàng Kiều trở thành người Việt giàu nhất trên thế giới.

Ngay sau cú chào sàn chấn động của doanh nghiệp bán lẻ của Tập đoàn Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, khối tài sản của vị tỷ phú USD của Việt Nam đầu tiên đã tăng mạnh lên mức cao chưa từng có.

Theo Forbes, tính tới 7/11/2017, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (49 tuổi) là 3,4 tỷ USD, tăng tròn 1 tỷ USD so với trong bảng xếp hạng của tạp chí này hồi tháng 3/2017, và lọt top 700 người giàu nhất trên thế giới.

Với cú bứt phá ngoạn mục này, ông Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt giàu nhất thế giới, vượt qua doanh nhân giàu có nổi tiếng tại nước Mỹ nhưng tai tiếng ở Việt Nam: đại gia Hoàng Kiều.

Ảnh Forbes.

Theo Forbes, tính tới 7/11/2017, ông Hoàng Kiều (73 tuổi) có khối tài sản trị giá 2,8 tỷ USD. Trước đó, hồi cuối tháng 9/2015, ông Hoàng Kiều có khối tài sản lên tới 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng sản xuất huyết tương Shanghai RAAS Blood Products của doanh nhân Việt kiều này giảm khá nhiều sau cú tăng dữ đội sau IPO đầu năm 2014.

Vincom Retail (VRE) niêm yết cổ phiếu hôm 6/11 và đã gây ra một cơn địa chấn trên thị trường chứng khoán khi vượt qua cả Vietinbank, Masan, Petrolimex lọt top 10 cổ phiếu lớn nhất và có vốn hóa tỷ USD trên TTCK. Cổ phiếu này chào sàn với giá 33.800 đồng/cp và đã tăng trần 20% trong phiên đầu tiên.

Phiên thứ 2 trên sàn (ngày 7/11), VRE tiếp tục gây chấn động với lượng đặt mua lớn gấp 3 lần khối lượng chào bán, tương đương hơn 2 tỷ USD. Đây là khối lượng đặt mua cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay. Kết quả giao dịch, đã có 415 triệu cổ phiếu được chuyện nhượng với mức giá 40.600 đồng/cổ phiếu, trị giá gần 17 ngàn tỷ đồng. Thương vụ này giúp TTCK có phiên giao dịch lớn chưa từng có trong lịch sử, và cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu mới lên sàn thuộc họ nhà “Vin”.

Cổ phiếu VRE tiếp tục tăng trần lên 43.350 đồng/cp. Ở mức giá này, Vincom Retail vó vốn hóa là 3,4 tỷ USD.

Tỷ phú USD Hoàng Kiều.

Ba cổ đông lớn trong nước gồm Tập đoàn Vingroup (18,4%), 2 công ty con của Vingroup là CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng - SDI (32,3%) và CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội - NHN (8,3%). Cổ đông nước ngoài nắm giữ 20,2% vốn, với những gương mặt nổi tiếng như: Warburg Pincus và Credit Suisse AG.

Vincom Retail là công ty quản lý các trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup ( VIC ) với các thương hiệu Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+…với 40 TTTM tại 21 tỉnh thành, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,1 triệu m2.

Theo Forbes, Việt Nam hiện có 2 tỷ phú USD là ông Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air. Bà Thảo hiện có 1,9 tỷ USD. Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC không lọt danh sách của Forbes nhưng trên TTCK Việt Nam ông lại là người giàu nhất với tài sản quy từ 3 cổ phiếu ROS, FLC, ART (chủ yếu từ ROS) trị giá hơn 65 ngàn tỷ đồng.

Trên TTCK, sức nóng của Vincom Retail cũng tác động tích cực tới thị trường nói chung. Tổng cộng hôm 7/11 có gần 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng. Đây là mức chưa từng có. Nó khiến dự báo thanh khoản 10 ngàn tỷ đồng/phiên của nhiều chuyên gia thành sự thật.

Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

Mặc dù thị trường hưởng lợi từ VRE nhưng áp lực chốt lời khi giá nhiều cổ phiếu ở mức cao kỷ lục vẫn khá rõ ràng. Số mã giảm giá vẫn cao hơn số mã tăng giá. Một số cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh. Cổ phiếu HAI chuyển từ trần sang giảm sàn.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Theo các CTCK, áp lực chốt lời có thể quay trở lại ở vùng giá cao cho dù các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giúp giữ nhịp cho VN-Index. Việc VN-Index chinh phục được mức đỉnh cao mới chưa thực sự bền vững. Tâm lý thận trọng vẫn còn khá lớn.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin từ cuộc họp thượng đỉnh cấp cao APEC. Nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí, ngân hàng, thép nhỏ… đang hút dòng tiền.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/11, VN-index tăng 1,24 điểm lên 850,33 điểm; HNX-Index giảm 0,26 điểm xuống 104,83 điểm. Upcom-Index giảm 0,14 điểm giảm 53,16 điểm. Thanh khoản đạt 630 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 21 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

H. Tú