Với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, ASOSAI 14 thể hiện những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của thế giới, trong đó có thách thức môi trường.

Kiểm toán việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam

700 đại biểu tham dự Đại hội Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14

Phát biểu khai mạc Đại hội các tổ chức kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, diễn ra sáng 19/9, tại Hà Nội, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, ASOSAI 14 năm 2018 được đánh giá là một sự kiện ngoại giao chuyên môn cấp cao hết sức quan trọng của khu vực châu Á.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô lớn trong lĩnh vực kiểm toán công, với sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia châu Á.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc tại ASOSAI 14

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là cơ quan độc lập được hiến định trong Hiến pháp phù hợp với nội dung của Tuyên bố Lima và Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Sau hơn hai thập kỷ, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chứng tỏ được vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trở thành công cụ hữu hiệu giúp Quốc hội giám sát hiệu quả nền tài chính quốc gia.

“Quốc hội ghi nhận sự chủ động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ kiểm toán viên và hiệu quả hoạt động của mình trong một số lĩnh vực kiểm toán mới, như: kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán nợ công và đặc biệt là kiểm toán môi trường”, bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Việt Nam không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp, công minh, chính trực, “nghệ tinh, tâm sáng”, được trang bị phương pháp kiểm toán hiện đại.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công.         

{keywords}
Các đại biểu tham dự (ảnh TTXVN)

Trước đó, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, trong bối cảnh khu vực cũng như thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng phải đồng thời phải bảo vệ môi trường, ASOSAI 14 chọn chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Đây là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện thông điệp, sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu. 

Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện chính thức của Đại hội ASOSAI 14. Bên cạnh các phương hướng, giải pháp về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu, Tuyên bố Hà Nội được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao về các hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên.

Đại hội ASOSAI 14 diễn ra từ 19-22/9, với sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á, với cấp trưởng đoàn tương đương từ bộ trưởng trở lên và các tổ chức quốc tế, các đại biểu là khách mời trong nước.

Chiều cùng ngày, đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Điều hành và Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2018-2021; chuyển giao chức Chủ tịch và Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ mới.

Ngọc Hà