Kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra những sự lãng phí lớn trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh.

Lãng phí mua sắm trang thiết bị y tế là có thật

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có tới 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (hơn 68 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng),...

Tại buổi công bố kết quả kiểm toán năm 2016 ngày 21/7, ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III cho biết đến nay vẫn không nhận được văn bản nào phản hồi về kết luận kiểm toán.

“Toàn bộ kết luận kiểm toán chúng tôi công bố đều có bằng chứng cụ thể”, ông Tân khẳng định.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước tái khẳng định việc quản lí sử dụng trang thiết bị y tế có tình trạng lãng phí dù mới chỉ kiểm toán chọn mẫu 15 bệnh viện.

“Chúng tôi có số liệu cụ thể, danh sách từng bệnh viện từng tỉnh và danh mục từng thiết bị để lãng phí”, ông Tân nói và cho biết thêm, tuy số tiền chi cho các trang thiết bị y tế sử dụng chưa hiệu quả là lớn nhưng so với tỷ trọng các trang thiết bị y tế của các bệnh viện thì không lớn, chỉ chiếm 1-3%.

{keywords}

Nhiều trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh còn bị sử dụng lãng phí

Theo ông Tân, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do cả chủ quan và khách quan. Trong đó có nguyên nhân đầu tư không đồng bộ, không phù hợp yêu cầu. Có thiết bị Bộ đưa xuống địa phương thì địa phương không cần hoặc không sử dụng được. Có cái được đầu tư thiết bị nhưng không được đầu tư cơ sở hạ tầng lắp đặt thiết bị, hoặc có thiết bị nhưng không có người vận hành, thậm chí thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên có tình trạng thiết bị đắp chiếu.

Chiếc monitor mua 114 triệu, giá nhập 5,3 triệu

Một trong những vấn đề nhiều bệnh viện phản ứng với kết luận của Kiểm toán Nhà nước là giá vật tư, hóa chất.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Chẳng hạn, 1 cái kim cánh bướm Bệnh viện Việt Đức giá kế hoạch gần 1.100 đồng nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy lại là 7.350 đồng, chênh gần 8 lần; 1 dây truyền huyết thanh Bệnh viện Bạch Mai 3.675 đồng nhưng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 18.000 đồng.

Trong khi đó, GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho rằng so sánh trên là khập khiễng, vì cùng dây truyền dịch nhưng có nhiều loại khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế khi đăng đàn trước Quốc hội cũng cho rằng việc một mặt hàng nhưng có giá chênh đến 6-7 lần như kết luận của Kiểm toán Nhà nước vừa qua khiến nhiều bệnh viện không đồng thuận.

Ông Nguyễn Văn Tân, đại diện Kiểm toán Nhà nước nói rõ mức giá mà Kiểm toán Nhà nước làm cơ sở kiểm toán là “giá kế hoạch”, chứ không phải giá mua thực tế.

Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, so sánh chênh lệch giá như vậy để thấy công tác quản lý về giá của Bộ Y tế còn hạn chế, bất cập. Bộ Y tế chưa có cơ sở dữ liệu giá vật tư, hóa chất, cho nên khi phê duyệt hoàn toàn dựa vào “cấp dưới đưa lên bao nhiêu phê duyệt bấy nhiêu”.

“Bệnh viện chỉ cung cấp 3-4 báo giá của nhà cung cấp, nên không có cơ sở xác định so sánh giá. Có cơ sở cung cấp cung cấp giá sai nên bộ duyệt sai, cuối cùng đấu thầu rồi nhà cung cấp không cung cấp được vì giá thấp quá”, ông Tân trần tình và khẳng định việc này đã có trong thực tế.

Ngoài ra, việc phê duyệt giá vật tư, hóa chất lại phê duyệt chung chung, không rõ chủng loại, thông số kĩ thuật, tính năng sử dụng...

Trong khi đó, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng khu vực 12 - đơn vị kiểm toán trên địa bàn Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông bổ sung: Qua kiểm toán phát hiện giá trúng thầu nhiều trang thiết bị bất hợp lí so với giá nhập khẩu của chính trang thiết bị ấy. Cho nên, KTNN đã kiểm toán lại giá dự toán của các gói thầu và so sánh với giá trúng thầu xem xem giá trúng thầu có vấn đề gì hay không.

“Chúng tôi nhận thấy giá trúng thầu so với giá nhập khẩu cao hơn 2,5 lần. Trong đó một số trang thiết bị giá mua cao hơn giá nhập khẩu 4-7 lần. Cá biệt có trang thiết bị mua giá cao hơn 20 lần giá nhập khẩu, cụ thể một chiếc monitor 14 inch mua 114 triệu nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu”, ông Trần Minh Khương tiết lộ.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết đã dựa trên Thông tư 04 của Bộ xây dựng để làm cơ sở xác định mức giá phù hợp cho từng trang thiết bị, vật tư

Từ thực tế đó, ông Trần Minh Khương cho rằng mặt bằng chung giá trang thiết bị y tế ở Việt Nam “đang bất hợp lý”. Nguyên nhân là chính sách độc quyền, lựa chọn nhà phân phối của các nhà sản xuất khi chỉ chọn 1 hoặc 2 nhà cung cấp cho trang thiết bị nào đó.

Bàn luận về câu chuyện này, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cho hay do nhân lực hạn chế nên kết quả kiểm toán mới chỉ “sờ vào một phần rất nhỏ của ngành y tế”.

"rách nhiệm của chúng tôi là cảnh báo ngành y tế phải nghiên cứu, đề xuất có biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi, đảm bảo công tác quản lí toàn bộ kinh phí của nhà nước ở ngành y tế chặt chẽ hơn, đảm bảo phục vụ cho nhân dân tốt hơn", ông nói.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chia sẻ: Kiểm toán trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất thời gian qua mới là một phần rất nhỏ. Nếu có điều kiện, thời gian, hành lang cho phép kiểm toán toàn diện đấu thầu thuốc, dược, trang thiết bị y tế, hóa chất trong toàn quốc, chúng tôi sẽ chọn các điểm lớn để đánh giá toàn diện trách nhiệm ngành y tế, người đứng đầu. Khi đó chúng ta sẽ còn nhiều vấn đề để bình luận.

Lương Bằng