Trung Quốc đang tung ngàn tỷ USD để tài trợ tài chính, thương mại - đầu tư, xây dựng các định chế tài chính lớn, vốn do Mỹ, Nhật dẫn dắt. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và liên tiếp tung ngàn tỷ USD gây ảnh hưởng đến các nước Châu Á - Phi và Nam Mỹ... Điều này đã khiến Mỹ bị đe dọa mất đi vị trí số 1 thế giới

Chủ nợ của thế giới

Trung Quốc vừa xác nhận đã ký hợp đồng tín dụng đổi dầu với Venezuela. Phó Tổng thống phụ trách kinh tế của Venezuela Miguel Perez cũng thừa nhận các điều kiện, bao gồm kỳ hạn các khoản vay, lượng tiền và các điều kiện phi tài chính khác đã được 2 bên thông qua.

Đây được xem là một liều ô-xy cứu quốc gia Nam Mỹ này khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay, đồng thời là một bước đi nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa 2 bên và là một bước tiến của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ. Trong khoảng một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay khoảng 50 tỷ USD.

Venezuela có tiền để tìm cách thoát khỏi khủng hoảng. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ có dầu để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tất nhiên, vào thời điểm giá dầu đang thấp như hiện nay, Venezuela sẽ phải trả nhiều dầu hơn cho Trung Quốc.

{keywords}
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Không chỉ Venezuela, các ngân hàng của Trung Quốc cho rất nhiều quốc gia Mỹ Latinh vay tiền, bao gồm cả Argentina và Ecuador. Đây đều là những quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu.

Một báo cáo tháng 5/2016 trên CNN Money cho thấy Trung Quốc vẫn đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Trung Quốc đang nắm giữ khoản nợ của Mỹ trị giá khoảng 1.250 tỷ USD. Con số nói trên thực sự rất lớn nhưng xem ra không phải quá sức nếu nhìn vào kho dự trữ ngoại hối khoảng 3,3 ngàn tỷ USD của Bắc Kinh.

Nếu tính cả số trái phiếu mà Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) mua của Mỹ, Trung Quốc hiện nắm giữ số trái phiếu còn lớn hơn thế.

Với châu Phi, Trung Quốc đã tham gia sâu rộng vào công cuộc cải cách kinh tế của các quốc gia trong khu vực, thông qua cho vay, đầu tư và thương mại.

Theo BBC, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi hồi cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố cung cấp cho châu Phi 60 tỷ USD vốn vay và viện trợ, bao gồm một số khoản vay không lãi suất, học bổng và hỗ trợ đào tạo, để giúp lục địa này phát triển.

{keywords}
AIIB là một bước tiến mới của Trung Quốc

Trước đó, Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ, Nhật, Pháp trong cả 2 lĩnh vực đầu tư và thương mại với lục địa đen. Riêng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 7 chuyến thăm tới châu Phi, trong đó có 2 chuyến ở cương vị chủ tịch Trung Quốc.

Tấn công các định chế tài chính lớn

Song song với hoạt động cho vay, mua trái phiếu - làm chủ nợ của rất nhiều các quốc gia, từ nghèo tới giàu, trên thế giới, Trung Quốc cũng đã công khai bày tỏ ý định tăng cường "quyền lực mềm" ở châu Á, thông qua ngân hàng "đối thủ" WB, ADB.

Sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng (hoạt động từ đầu 2016) đã khiến Mỹ bị đe dọa mất đi vị trí số 1 thế giới. Trung Quốc lập AIIB lôi kéo cả thế giới trong khi bỏ rơi Mỹ.

AIIB được nhiều nhà phân tích tài chính toàn cầu xem là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mỹ và Nhật Bản, hai nước có nền kinh tế thứ nhất và thứ 3 toàn cầu đã không tham gia vào việc thành lập AIIB, nhưng đổi lại một loạt các quốc gia có sức mạnh tài chính khác như: Anh, Đức, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Úc là các cổ đông lớn. Tại AIIB, Trung Quốc chiếm hơn 30% cổ phần, nắm giữ hơn 26% quyền biểu quyết.

{keywords}
Nhiều nước bắt đầu lo ngại về gánh nặng nợ Trung Quốc.

Hồi cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 10 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Những cam kết được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở các khu vực đang phát triển.

Trong khi Mỹ tỏ ra khó chịu vì các đồng minh xích lại gần Trung, thì Anh đã lặng lẽ tham gia AIIB, không tham vấn từ Mỹ.  Nước Anh chủ trương thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và hút thêm vốn đầu tư từ nước này.

Sự nổi lên của đồng Nhân dân tệ với việc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, ngang hàng với USD, euro, bảng Anh và Yên Nhật cũng là một bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Có thể thấy, sự chậm phát triển của một số khu vực tại châu Á, kém phát triển ở châu Phi và khủng hoảng tại Nam Mỹ và châu Âu đã tạo điều kiện Trung Quốc dễ dàng tung vốn làm chủ nợ khắp nơi với những điều kiện thuận lợi.

Tuy nhiên, nhiều cảnh bảo đã được các chuyên gia trên khắp thế giới đưa ra. Theo đó, nước Anh, hay các nước châu Phi, Mỹ Latinh nên thận trọng với những khoản vay, khoản đầu tư đến từ Trung Quốc.

Gần đây, một số nước châu Phi bắt đầu than phiền về lợi ích thực sự nhận về từ sự hợp tác với TQ. Nhiều nước cũng đã vỡ mộng và đã cảm thấy rõ gánh nặng của các khoản tài trợ của Trung Quốc.

V. Hà