Sau vài phiên trầm lắng, dòng tiền bất ngờ ồ ạt đổ vào các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng, dược phẩm… Hàng loạt cổ phiếu nhà ông Trịnh Văn Quyết nổi sóng, VPBank của ông Ngô Chí Dũng tăng phiên thứ 3, trong khi đó ông Hà Tiến Dũng bán MBB ở mức giá cao lịch sử thu về trăm tỷ.

CEO nổi tiếng Dược Hậu Giang (DHG) Phạm Thị Việt Nga từ nhiệm trong bối cảnh các cổ phiếu ngành dược tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới nhờ kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng của ngành này cũng như dự báo một dòng vốn lớn từ các ông lớn trong và ngoài nước sẽ đổ vào lĩnh vực này, tham gia sâu hơn hoặc M&A doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán tiếp tục mang đến một làn gió mát cho các nhà đầu tư với một phiên tăng giá với VN-Index hướng tới ngưỡng 770 điểm. Dòng tiền tích cực dồn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và các nhóm ngành mang tính trụ cột trên thị trường như ngân hàng, bất động sản…

Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng bứt phá, các cổ phiếu bất động sản tăng mạnh và nhiều cổ phiếu trụ cột khác duy trì sắc xanh giúp cả 2 sàn duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là những bước hồi phục trong giai đoạn điều chỉnh trong ngắn hạn.

{keywords}
Dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, bất động sản.

Tâm điểm của thị trường tiếp tục là sự phân hóa rất mạnh các cổ phiếu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tăng trần, ROS của Faros tăng mạnh. Trong đó, FLC có giao dịch kỷ lục gần 73 triệu cổ phiếu, dư mua trần hơn 30 triệu cổ phiếu. KLF cũng tăng trần. Trong khi đó, HAI giảm sàn và dường như chưa tìm thấy đáy do dư bán còn rất lớn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bứt phá sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin nâng tăng trưởng tín dụng lên 21% và hàng loạt các ngân hàng tiếp tục công bố lợi nhuận kỷ lục.

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đang ở mức giá cao lịch sử. Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận rất cao, thuộc top 10 lợi nhuận lớn nhất trên TTCK. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng hút dòng tiền và tăng mạnh như BID, ACB, CTG. VPBank của ông Ngô Chí Dũng cũng có phiên tăng thứ 3 nhưng vẫn còn khá xa so với mức giá tham chiếu.

Ngân hàng của ông Ngô Chi Dũng gần đây dồn dập công bố thông tin lãi kỷ lục với gần 4,2 tỷ đồng trong 7 tháng, tỷ suất lợi nhuận cao… Tuy nhiên, giới đầu tư nhiều người vẫn lo ngại về mức giá chào sàn khá cao sau nhiều lần chia tách và đang cân đo về mức giá của cổ phiếu ngân hàng này với các ngân hàng khác cũng niêm yết trên sàn.

Một số cổ phiếu trụ cột khác vẫn hút được dòng tiền như Petrolimex (PLX), Vinamilk (VNM), GAS, FPT…

Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán được đánh giá vẫn còn nhiều rủi ro do đang ở vùng cao kỷ lục 9 năm. Áp lực bán chốt lời vẫn khá lớn. Nhiều cổ đông lớn vẫn đang bán ra để thu tiền về.

Với mức giá cao kỷ lục mọi thời đại, ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc của Trực thăng miền Bắc, hiện đang là Thành viên HĐQT của MBB vừa bán thành công 5 triệu cổ phiếu thu về khoảng 115 tỷ đồng.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Rủi ro giảm điểm đã giảm đi đáng kể sau vài phiên hồi phục. Mặc dù vậy, đa số các CTCK không khuyến nghị tăng tỷ trọng nắm giữ.

Sự hồi phục khởi sắc của thị trường được xem một phần là nhờ nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Tín dụng cho nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21% sau khi đã tăng 9,3% trong 7 tháng.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%, lượng tiền bơm vào nền kinh tế sẽ rất lớn. Đây là một thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, đó là về ngắn hạn. Về dài hạn, tăng trưởng cao mà nền kinh tế không hấp thụ thì có thể sinh ra bong bóng như đã từng xảy ra trong khoảng thời gian cách đây gần một thập kỷ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, VN-index tăng 3,79 điểm lên 769,77 điểm; HNX-Index tăng 1 điểm lên 102,28 điểm. Upcom-Index giảm 0,18 điểm xuống 54,26 điểm. Thanh khoản đạt 255 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú