Ông Nguyễn Đức Tài vung tay khiến Trần Xuân Kiên kiếm trăm tỷ. Ông Trịnh Văn Quyết tính việc lớn giúp thị trường sôi sục... Hàng loạt các kế hoạch lớn của đại gia khiến thị trường biến động mạnh.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục là nhóm cổ phiếu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Sức hút của cổ phiếu FLC trong hơn một tuần qua với lượng giao dịch mỗi phiên lên tới hàng chục triệu đơn vị được chuyển nhượng đã giúp thị trường chuyển từ tình cảnh ảm đạm sang sôi động.
Sau cú mua vào 20 triệu cổ phiếu FLC, chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa đăng ký mua tiếp 11 triệu cổ phiếu. Ông Quyết đăng ký mua FLC trong bối cảnh cổ phiếu này đã có 7 phiên tăng điểm rất mạnh, với 3 phiên tăng trần liên tiếp vừa qua.
FLC đã có một cú bứt phá mạnh mẽ từ 7 ngàn đồng lên hơn 9 ngàn đồng/cp. Tính từ đầu năm, FLC đã tăng khoảng 75%.
Dòng tiền vào thị trường vẫn rất mạnh. |
Điều đáng nói là giao dịch của FLC và một số cổ phiếu trong nhóm nhà ông Trịnh Văn Quyết luôn chiếm 20-25% giao dịch trên thị trường. Riêng trong phiên 28/8, bộ đôi cổ phiếu FLC và ROS đều tăng kịch trần với thanh khoản hơn ngàn tỷ đồng, chiếm 20% toàn bộ giá trị giao dịch trên thị trường.
Với cú bứt phá dữ dội của FLC và ROS, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giữ vững vị trí giàu nhất trên thị trường chứng khoán với túi tiền quy từ cổ phiếu (chủ yếu là từ ROS) lên tới hơn 1,5 tỷ USD, bỏ khá xa ông Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí thứ 2.
Sự sôi động của các cổ phiếu nhà ông Trịnh Văn Quyết nhiều khi khá khó lý giải. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là thị trường bất động sản và xây dựng vẫn khá sôi động ở vào thời điểm hiện tại. Các cổ phiếu nhóm ngày này vẫn thu hút giới đầu tư và mỗi khi có sóng là dòng tiền đổ vào rất nhanh.
Gần đây, giới đầu tư cũng khá chú ý tới thông tin thủ tướng đồng ý chủ trương xây cáp treo vào hang động lớn thứ 3 thế giới tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước đó, hồi tháng 4/2017 tại ĐHĐCĐ thường niên Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng nói về việc FLC tính đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Sơn Đoòng.
Một loạt các cổ phiếu có tính đầu cơ cao khác cũng đang hút dòng tiền như: OGC, FIT, HQC…
Cùng với sự hấp dẫn của các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt đợt hồi phục của thị trường lần này. Mặc dù áp lực chốt lời đã xuất hiện nhưng nhiều mã vẫn có sức hút lớn như Ngân hàng Á Châu (ACB), Vietcombank (VCB)…
Nhiều cổ phiếu lớn khác tăng mạnh như một số trụ cột trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, dầu khí như: VIC, SSI, PLX, GAS… đang giúp thị trường lấy lại cả chục điểm sau hơn 2 tuần suy giảm liên tục, từ cú sốc tin đồn Trần Bắc Hà.
Một số cổ phiếu đầu ngành khác cũng đang tăng mạnh nhờ kế hoạch thâu tóm và mở rộng quy mô như trường hợp Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài. Cổ phiếu MWG vững giá trên ngưỡng 100 ngàn đồng sau cú thâu tóm điện máy Trần Anh (TAG) của ông Trần Xuân Kiên.
Theo kế hoạch, MWG sẽ chi tiền mặt mua cổ phần kiểm soát tại TAG từ nhóm các cổ đông lớn với giá dự kiến sẽ cao hơn khá nhiều so với thị giá hiện tại của TAG. Theo tính toán của HSC, giá có thể lên tới 50 ngàn đồng, cao hơn 27% so với giá hiện tại. Gia đình ông Trần Xuân Kiên hiện nắm giữ quá bán TAG sẽ thấy túi tiền phình nở cả trăm tỷ đồng.
Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư ngoại cũng đang xoay chuyển dòng tiền rất nhanh. Nhóm Dragon Capital đang đầu tư rất mạnh vào Thép Nam Kim trong khi chốt lời cổ phần của Tôn Hoa Sen (HSG) sau khi tập đoàn của ông Lê Phước Vũ có kế hoạch đầu tư vào dự án thép Cá Ná.
Hiện tại, khối ngoại vẫn rót tiền và nắm giữ khá nhiều ở VIC, HPG, PNJ, VCI, SSI. Khối ngoại vẫn đang mua ròng nhiều cổ phiếu trong đó có VIC, SSI, GAS, SHS, VGC, SHB..
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu không thuận dòng tăng điểm trên thị trường. Cổ phiếu Novaland (NVL) của Bùi Thành Nhơn giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Khối ngoại cũng đang bán ròng cổ phiếu này.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Những phiên tăng điểm liên tiếp vừa qua cùng với thanh khoản tăng dần đã giúp giảm bớt rủi ro. Tâm lý trên thị trường dần chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Giao dịch đã vượt trung bình những tuần sôi động trước đó. Chỉ số HNX-Index còn lập mốc đỉnh mới trong hơn sáu năm trở lại đây. Mặc dù vậy, rủi ro điều chỉnh vẫn còn do thị trường chưa có thêm thông tin hỗ trợ.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 28/8, VN-index tăng 5,63 điểm lên 777,26 điểm; HNX-Index tăng 1,27 điểm lên 103,9 điểm. Upcom-Index giảm 0,06 điểm xuống 54,29 điểm. Thanh khoản đạt 320 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 5,1 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.
H. Tú