Nhà cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa chứng kiến túi tiền phình nở thêm vài triệu USD chỉ trong vài ngày sau những thông tin bất ngờ.
Hội đồng Quản trị CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) vừa thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, công ty dự kiến mua tối đa 993.540 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 19/11 đến 19/12. Nguồn vốn mua vào lấy từ thặng dư vốn cổ phần.
Thông tin này ngay lập tức đẩy cổ phiếu DQC tăng trần (+7%) với giao dịch tăng đột biến.
Trước khi thông tin được công bố, DQC cũng đã tăng 3 phiên liên tiếp và tính từ đáy 32.200 đồng/cp xác lập hôm cuối tháng 10 lên 37.450 đồng/cp. Cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 5.250 đồng/cp, tương đương mức tăng 16,3%.
Gia đình nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (hiện nắm giữ tổng cộng khoảng 36% vốn điều lệ của DQC, tương đương khoảng hơn 12 triệu cổ phiếu) chứng kiến túi tiền tăng thêm khoảng 64 tỷ đồng (gần 3 triệu USD).
Trước đó, cổ phiếu DQC chứng kiến một đợt tụt giảm mạnh gắn liền với tình hình và triển vọng kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp này và vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật và từ chức. Trong khoảng 1 năm qua, DQC đã giảm khoảng 54% từ mức 70 ngàn đồng/cp xuống đáy 32.200 đồng/cp hôm 31/10.
Bà Thoa hiện đang trực tiếp nắm giữ gần 5,3% cổ phần DQC. Theo báo cáo quản trị 2016, nhiều thành viên khác trong gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm cổ phần và giữ nhiều vị trí quan trọng. Ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai bà Thoa) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thái Nga (con gái bà Thoa) là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê (con gái bà Thoa) là Giám đốc Ban dự án của công ty này.
Với quyết định mua gần 1 triệu cổ phiếu quỹ, tính theo giá hiện tại, DQC có thể sẽ phải bỏ ra khoảng 37 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây liên tục tăng điểm mạnh. Thị trường tăng dữ dội chủ yếu nhờ các cổ phiếu chủ chốt trên sàn và một số nhóm cổ phiếu có triển vọng tích cực như ngân hàng, dược phẩm, bán lẻ…
Nhiều cổ phiếu cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3 và triển vọng tích cực trong quý 4 tiếp tục tăng giá.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường trong vài tuần gần đây cũng đang quay đầu tăng trở lại như trường hợp DQC, HPG…
Giới đầu tư đặt kỳ vọng rất lớn vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp trụ cột trên sàn như Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Thế Giới Di Động (MWG) của Nguyễn Đức Tài, VietJet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo…
Sau dự án ô tô VinFast đình đám, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vừa tuyên bố sẽ xây công viên giải trí kiểu Disneyland và đẩy mạnh dự án VinTaTa, sản xuất cả phim hoạt hình chiếu rạp.
Thế Giới Di Động (MWG) của Nguyễn Đức Tài trong khi đó vẫn liên tục mở rộng mạng lưới bán lẻ của mình. VietJet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang triển khai kế hoạch mua tàu, bán tàu, thuê tàu bay và mở thêm các đường bay lớn để tăng thêm thị phần…
Trong phiên giao dịch 8/11, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VIC, GAS, FPT, MWG và đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, VCB, MBB… tăng mạnh giúp thị trường bứt phá. VIC của Vingroup đóng vai trò dẫn dắt khi tăng 5,6% lên 65.500 đồng. BID tăng 4,2%, VCB, GAS, VJC, MBB đều tăng trên 2%.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo các CTCK, áp lực chốt lời có thể quay trở lại ở vùng giá cao cho dù các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giúp giữ nhịp cho VN-Index. Việc VN-Index chinh phục được mức đỉnh cao mới chưa thực sự bền vững. Tâm lý thận trọng vẫn còn khá lớn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11, VN-index tăng 9,37 điểm lên 859,7 điểm; HNX-Index tăng 0,91 điểm lên 105,74 điểm. Upcom-Index giảm 0,22 điểm giảm 52,94 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 5,7 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú