Nếu dân Sài Gòn uống ly cà phê vỉa hè, dân Hà Nội uống chén chè nóng buổi sáng... cũng phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt thì quá vô lý.

Bộ Tài chính vừa đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có gas, không gas, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Bộ này đề xuất hai phương án: Áp dụng mức thuế suất 10% hoặc 20% từ năm 2019.

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì trà, cà phê uống liền bị xếp vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB như thuốc lá điếu, xì gà, rượu bia, du thuyền, vàng mã; kinh doanh karaoke, massage, casino,...

{keywords}

Sợ dân béo phì

Lý giải về việc bổ sung những mặt hàng trên vào đối tượng chịu thuế TTĐB, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, nói: “Mục đích là để phù hợp với thông lệ quốc tế và hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân”.

Đại diện Bộ Tài chính lý giải thêm, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì, nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường.

Ở Việt Nam tỉ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới năm tuổi, tỉ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015; tại TP.HCM mức tỉ lệ này lên tới 10,8%, đặc biệt tại khu vực trung tâm tỉ lệ này lên đến 12% - cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển.

“Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận… Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt. Ví dụ Thái Lan quy định nước ngọt có gas ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440 cc; Campuchia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt 10%...” - đại diện Bộ Tài chính dẫn chứng.

Rất vô lý

Đó là ý kiến chung của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội lẫn chuyên gia trong ngành cà phê, trà của Việt Nam khi Bộ Tài chính đưa trà, cà phê uống liền vào diện phải chịu thuế TTĐB như thuốc lá, rượu bia.

“Trà, cà phê là những mặt hàng rẻ tiền, thông dụng, góp phần tỉnh táo trước mỗi ngày làm việc chứ không phải xa xỉ phẩm hay có hại cho sức khỏe nên không cần thiết phải đánh thuế TTĐB. Sao cái gì cũng tăng thuế vậy, tăng không trừ thứ gì, từ chi phí sinh hoạt điện nước, xăng xe đến ăn uống, đi lại, người dân phải trả thêm tiền nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đến ly cà phê, ly trà rồi cũng phải trả thêm thuế TTĐB. Một gói cà phê hòa tan tính ra khoảng 2.500 đồng/gói, nếu áp thuế TTĐB 10%-20% nữa thì tôi phải bỏ ra thêm 250-500 đồng/gói” - anh Đình Quân, nhà ở quận Thủ Đức (TP.HCM), nhẩm tính.

Theo anh Quân, đấy là chỉ tính mức giá gói cà phê hòa tan tăng do chịu thuế TTĐB, anh tự mua về uống cho tỉnh táo với công việc văn phòng của mình. Nếu tính một ly cà phê quán bình dân giá khoảng 20.000 đồng, chủ quán sẽ tăng 2.000-4.000 đồng/ly lên 22.000-24.000 đồng/ly. Lý do là khi nhà sản xuất phải đóng thuế TTĐB 10%-20% thì họ sẽ tăng giá bán cho nhà bán lẻ, các quán cà phê. Như vậy chi phí tăng, ly cà phê bán ra cũng phải tăng nên khách hàng chịu thiệt.

{keywords}

Bộ Tài chính vừa đề nghị bổ sung nước ngọt bao vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các sản phẩm trà đóng gói cũng sẽ gặp nhiều khó khăn đầu ra khi chung “số phận” phải tăng giá nếu áp thuế TTĐB. Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), phân tích: Đánh thuế TTĐB rượu bia, thuốc lá vì đây là những sản phẩm có hại sức khỏe thì hợp lý. Nhưng sản phẩm trà, chế biến từ trà được coi là nước uống tốt cho sức khỏe mà đưa vào nhóm hàng chịu thuế TTĐB là quá phi lý, không thể nào hiểu nổi.

“Trà được coi là sản phẩm thông dụng, được tiêu dùng hằng ngày trong cuộc sống hiện nay của người Việt. Do vậy theo tôi, đây là đề xuất thiếu hiểu biết thực tế” - ông Tài bức xúc.

Triệt tiêu việc nâng cao chất lượng

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng nêu quan điểm rằng thuế TTĐB là loại thuế nhà sản xuất phải chịu. Tuy nhiên, loại thuế này được nhà sản xuất tính vào giá bán cho các nhà phân phối, bán lẻ. Khi đó nhà phân phối, bán lẻ sẽ tăng giá bán sản phẩm ra thị trường. Như vậy, nếu cà phê, trà chịu thuế TTĐB nữa thì khi đến tay người tiêu dùng phải chịu hai tròng thuế.

Luật sư Xoa ví dụ nếu một ký trà có giá 100.000 đồng, hiện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, giá người tiêu dùng phải trả là 110.000 đồng. Nhưng với đề xuất tăng thuế VAT lên 12%, cộng thêm thuế TTĐB 10%-20% sẽ được DN tính vào giá bán. Cuối cùng người tiêu dùng phải trả tiền cho sản phẩm trà đó với giá lên tới 123.000-134.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), nói ông “phản đối với đề xuất tăng thuế TTĐB của Bộ Tài chính”. Ông Nam cho rằng rất vô lý vì cà phê đóng gói, cà phê hòa tan là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao của ngành hàng cà phê. Nếu buộc những sản phẩm này chịu thuế TTĐB chẳng khác nào Nhà nước triệt tiêu việc nâng cao chất lượng sản phẩm của DN.

“DN đầu tư công nghệ dây chuyền đóng gói, sản xuất các sản phẩm cà phê đều phải bỏ ra chi phí rất lớn. Nếu đánh thuế TTĐB lên sản phẩm cà phê đóng gói thì hệ quả nguy hiểm là các DN sẽ không đầu tư vào chế biến sâu, không dám sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng. Khi thị phần sản phẩm giá trị gia tăng gặp khó thì chẳng khác nào làm thu hẹp đầu ra của nông dân trồng cà phê” - ông Nam bức xúc.

Cũng theo phân tích của ông Nam, sản phẩm cà phê đóng gói sử dụng nguyên liệu cà phê được sản xuất trong nước, nó khác với ngành bia rượu, nước ngọt… chủ yếu dùng nguyên liệu là hóa chất và phải nhập khẩu. Vì vậy, cần bỏ cà phê ra khỏi nhóm hàng chịu thuế TTĐB.

Không phải hàng xa xỉ, đừng đánh thuế

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng dường như Bộ Tài chính rất sốt sắng tăng thuế VAT phổ thông lên 12% cũng như thuế TTĐB với một số mặt hàng. Bản chất việc tăng này là tăng thu ngân sách và hầu hết bị dư luận và chuyên gia phản đối.

“Đây là hai loại thuế đánh vào những mặt hàng thiết yếu, đồng nghĩa đánh vào túi tiền mỏng của người dân. Việc tăng thuế VAT không khớp với thế giới bởi nhiều nước không có loại thuế này và nếu có cũng chỉ dao động trong khoảng 7%-10% chứ không phải 12%” - ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cũng không đồng tình với việc tăng thuế TTĐB với cà phê, trà đóng gói. Bởi theo ông, đây là những sản phẩm bình dân, gần gũi hằng ngày với người dân và không phải mặt hàng xa xỉ. Bên cạnh đó, có nhiều nghiên cứu cho rằng uống trà có lợi cho sức khỏe. Do vậy, Bộ Tài chính nên xem xét không đánh thuế TTĐB với hàng hóa này.

“Nếu cà phê, trà đóng gói, nước ngọt bị đánh thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đối với các DN. Về bản chất thuế TTĐB và VAT, DN sản xuất sẽ không chịu trực tiếp nhưng sẽ được tính vào giá thành khiến giá bán tăng lên, người tiêu dùng sẽ gánh. Khi giá bán tăng lên sẽ ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ, chiến lược marketing… Như vậy, việc tăng thuế sẽ tác động kép đến cả DN và người tiêu dùng” - ông Phong chia sẻ.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI, cho rằng: Tăng thuế VAT và TTĐB sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Theo đó, ngành ngân hàng đang kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ DN bằng việc nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất; còn ngành tài chính lại tăng thuế và sẽ tạo ra hệ lụy cầu tiêu dùng giảm, DN khó cạnh tranh hơn.

Các chuyên gia đều có chung nhận định có vẻ như Bộ chỉ nghĩ đến những nguồn thu càng nhiều càng tốt chứ không nghĩ đến tác động xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút. Ngân sách khó khăn nhưng không thể cứ thiếu tiền rồi nhằm vào dân đánh thuế. Trong khi việc thất thoát, lãng phí, tham nhũng, bòn rút, những dự án thua lỗ ngàn tỉ… thì chưa khắc phục được. Như vậy, bao nhiêu tiền thuế của dân cũng “đổ sông đổ biển”.

(Theo PLO)