Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật quản lý nợ công. Luật này quy định về các chỉ tiêu an toàn nợ, chiến lược nợ, các nội dung về quản lý nợ công gồm chương trình, kế hoạch quản lý nợ công, công tác quản lý rủi ro, giám sát an toàn nợ công, việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ của Chính phủ; quản lý hoạt động cho vay lại, bảo lãnh của Chính phủ…

Theo đó, nợ công quy định trong dự luật này, bao gồm: Nợ Chính phủ; Nợ được Chính phủ bảo lãnh; Nợ chính quyền địa phương.

{keywords}
Nợ công là vấn đề lớn của Việt Nam.

Như vậy, phạm vi xác định nợ công của Việt Nam trong dự luật này vẫn khác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) là không bao gồm ba khoản nợ: nợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội.

“Nợ công không bao gồm các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, các khoản nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách”, dự thảo nêu rõ.

Còn mục đích thứ 4 được nêu chung chung là “các mục đích khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền”.

Đưa ra tiêu chí về chỉ tiêu an toàn nợ, dự thảo của Bộ Tài chính cho hay, chỉ tiêu an toàn nợ là giới hạn mức nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP và chỉ số về thanh toán trả nợ so với tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Theo đó, các chỉ tiêu an toàn nợ bao gồm: Nợ công so với GDP; Nợ Chính phủ so với GDP; Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (gốc, lãi) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.

“Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội quyết định trong chiến lược nợ từng thời kỳ”, dự thảo viết.

Dự luật cũng liệt kê những hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nợ công. Một là quyết định vay không đúng thẩm quyền, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không đúng với chủ trương đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Hai là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công.

Ba là thông đồng, thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay, làm tổn hại, xâm phạm lợi ích quốc gia.

Bốn là đưa, nhận, môi giới hối lộ liên quan đến quản lý, sử dụng nợ công.

Năm là sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức, chây ì không trả nợ.

Sáu là cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan làm ảnh hưởng đến việc quyết định, phê duyệt chủ trương vay, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.

Bẩy là cản trở việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.

Ở phần xử lý vi phạm, dự thảo nêu ngắn gọn: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về mục đích vay của chính phủ, dự thảo đưa 4 mục đích. Một là, bù đắp bội chi Ngân sách Trung ương và để bù đắp thiếu hụt tạm thời của Ngân sách Trung ương khi nguồn thu chưa tập trung kịp. Hai là thanh toán trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại các khoản nợ và danh mục nợ của Chính phủ. Ba là cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính - tín dụng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại.

Dự thảo đưa ra 2 hình thức vay của Chính phủ. Một là vay thông qua phát hành công cụ nợ và thỏa thuận vay (bao gồm:phát hành tín phiếu, trái phiếu chính phủ, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ; Các thỏa thuận vay từ các nguồn vốn trong nước, nước ngoài của chính phủ theo quy định của pháp luật). Hai là Chính phủ vay bằng nội tệ, ngoại tệ, vàng hoặc hàng hoá quy đổi sang nội tệ hoặc ngoại tệ.

Dự luật cũng đưa ra các quy định về việc địa phương vay lại vốn ODA thay cho việc cấp phát như trước đây.

L.Bằng