Trước việc vấn đề cây cam, bưởi đang có nguy cơ “vỡ trận” do người nông dân ở nhiều địa phương ồ ạt trồng, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, theo quy định mới là không có quy hoach, tới đây cũng sẽ không có. Bộ này cũng không được phép yêu cầu địa phương, nông dân không được trồng cây này, cây kia.
Dân ồ ạt trồng, cam, bưởi đua giảm giá
Ngồi ngắm vườn cam đang đâm chồi nảy lộc rộng hơn 1ha của mình, anh Bùi Đức Long ở Lục Ngạn (Bắc Giang), chia sẻ, anh có 3 vườn cam gồm cam đường canh và cam lòng vàng với diện tích 5ha và đang có ý định phá bỏ bớt một vườn.
Anh Long tâm sự, năm nay đã bước sang năm thứ 16 anh trồng cây cam trên đất Lục Ngạn, nhưng thu nhập từ cam lại càng ngày càng giảm dù sản lượng và chất lượng cam trong vườn có tăng lên đáng kể.
Như năm vụ vừa rồi, giá cam cạnh loại 1 mới chỉ bán được 30.000-35.000 tùy thời điểm. Với mức giá ấy thì chỉ bằng một nửa so với vụ cam năm 2016. Theo anh, nguyên nhân khiến giá cam giảm mạnh là do người dân ở khắp các địa phương đua nhau trồng. “Không chỉ các thủ phủ trồng cam có tiếng, giờ đi từ Lạng Sơn, Quảng Ninh cho tới Vĩnh Phúc,... đâu đâu cũng thấy người nông dân trồng cam”.
Nông dân nhiều địa phương đua nhau mở rộng diện tích trồng cam, bưởi khiến giá của các loại cây có múi ngày càng giảm và có nguy cơ "vỡ trận" |
Trồng nhiều, nguồn cung tăng giá lại giảm là lẽ tất nhiên. Buồn hơn nữa, nhiều người trồng không chăm sóc tốt, lúc thu hoạch chất lượng quả kém bán ra thị trường với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến các nhà vườn trồng cho chất lượng vì thương lái dựa hơi đáng đồng, thấy nhà vườn này bán rẻ thì đến nhà vườn khác cũng mua giá rẻ tương đương.
Vụ vừa rồi giá cam các loại đã giảm mạnh, nhà vườn chưa đến mức thua lỗ nhưng khoản lãi thu được ngày càng teo tóp. Do đó, cứ đà đua nhau trồng như hiện nay thì giá cảm giảm nữa.
Trong khi đó, các huyện như Đan Phượng, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ba Vì,... (Hà Nội), cũng diễn ra tình trạng nhà nhà, người người trồng bưởi. Theo đó, cứ nhà ít thì vài chục cây, nhà nào trồng nhiều lên tới vài ha. Các loại bười Diễn, bưởi đào, bưởi da xanh, Năm roi phủ kín ruộng vườn.
Thậm chí, ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) còn diễn ra tình trạng đất ồ ạt bỏ lúa để chuyển sang trồng các loại bưởi. Cách đây 2 năm, giá bưởi Diễn được thu mua tại vườn với giá 35.000 đồng/quả. Tính ra, một cây bưởi trưởng thành (năm thứ 5 trở đi) có thể cho thu tới 100 quả, tương đương 3,5 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Song, do trồng ồ ạt, cung vượt cầu nên vụ cam, bưởi vừa qua giá bán đã giảm mạnh. Cụ thể, vào cuối năm 2017, Bộ NN-PTNT thông tin, giá cam sành tại các tỉnh ĐBSCL vì giá giảm mất 1/3 so với vụ năm trước. Nguyên nhân là nguồn cung ra thị trường quá lớn nên giá mới giảm thê thảm đến vậy.
Tương tự, thủ phủ cam Cao Phong cũng chịu trung số phận, sau mấy năm được mùa, nông dân trồng cam trúng lớn thì năm nay, giá cam tại địa phương này lại quay đầu giảm mạnh xuống còn 20.000 đồng/kg.
Theo lãnh đạo của sở NN-PTNT Hòa Bình, giá cam giảm một phần do được mùa, phần khác là ngoài cam ở Cao Phong, năm 2017, ở Hòa Bình còn có thêm diện tích cam được trồng tại huyện Lạc Thủy và Kim Bôi.
Tương tự, vào thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, trên thị trường cũng tràn ngập các loại bưởi Diễn. Giá không còn ở mức cao ngất ngưởng nhưng những năm trước đó mà giảm xuống chỉ còn 20.000-40.000 đồng/quả tùy loại, thậm chí nhiều nơi còn bán giá chỉ 7.000-15.000 đồng/quả.
Đại diện Bộ NN-PTNT khẳng định Bộ này không được phép yêu cầu địa phương, nông dân không được trồng cây này, cây kia. |
Sản xuất theo thị trường... Bộ không quản
Nhiều người, thậm chí chính nông dân đang cảm thấy lo lắng, sợ cây có múi sẽ có nguy cơ “cỡ trận” do người nông dân ở nhiều địa phương đua nhau mở rộng diện tích trồng cam bưởi.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2018 của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN-PTNT), thừa nhận cây ăn quả có múi tăng trưởng rất cao. Đơn cử, năm 2017, diện tích tăng rất lớn lên đến 22.000ha so với năm 2016. Trong đó, diện tích trồng cam hiện tại là 90.000, tăng 10.000ha; diện tích trồng bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016.
Theo ông Cường, đây là những loại cây có múi, đòi hỏi cao về điều kiện đất đai, thế nhưng sản phẩm lại chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Mấy năm nay nông dân mở rộng diện tích trồng loại cây có múi này ở nhiều địa phương. Kết quả, hiện các loại cây có múi đang phát triển tưng bừng.
Chia sẻ về vấn đề Bộ NN-PTNT có đưa ra quy hoạch đối với cây có múi, ông Cường khẳng định, theo quy định mới là không có quy hoach, và tới đây cũng sẽ không có. Đặc biệt là những loại cây diện tích trồng không ở phổ rộng như cây có múi.
Song, cuối tháng 3 vừa rồi, Cục Trồng trọt cũng đã có văn bản khuyến cáo các địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây có múi, giảm tối đa tình trạng được mùa mất giá, thị trường phải tham gia giải cứu nông sản.
“Nông nghiệp sản xuất theo thị trường. Bộ NN-PTNT không được phép yêu cầu địa phương, nông dân không được trồng cây này, cây kia. Có chăng chỉ là ra văn bản khuyến cáo địa phương, nông dân sản xuất như thế nào cho hợp lý, giảm tối đa rủi ro. Nhưng để việc sản xuất đến đâu tiêu bằng hết đến đó là rất hiếm, ngay cả châu Âu cũng còn hiện tượng tồn đọng nông sản khi vào mùa rộ”, ông Cường cho hay.
Bảo Phương
Lục Ngạn 'vỡ trận': Những ngày cay đắng không thể quên
Sau hơn một thập kỷ phát triển huy hoàng, giúp người dân Lục Ngạn đổi đời, thì thời kỳ đen tối lại ập đến ngay sau đó do thừa cung, giá rớt thê thảm. Người dân không thèm hái bán, vải chín rụng đầy vườn.
Đại gia thủy sản vỡ trận: Nợ 10 ngàn tỷ, lỗ nặng 700 tỷ
Nhiều đại gia thủy sản lao đao sau một thời tung ngàn tỷ với tham vọng trở thành ông trùm.
Nuôi lợn ‘vỡ trận’: Bộ NN-PTNT cầu cứu Thủ tướng
Trước việc ngành chăn nuôi lợn có nguy cơ “vỡ trận”, Bộ NN-PTNT vừa trình Chính phủ về một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi nhằm cứu ngành này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về giá và cung vượt cầu.
Trung Quốc ngừng mua, nông sản Việt 'vỡ trận' mất giá
Thịt lợn, dưa hấu, chuối,... rớt giá thê thảm khiến người dân lao đao, thua lỗ nặng. Nguyên nhân là do Trung Quốc hạn chế nhập, trong khi người dân đua nhau mở rộng diện tích, tăng đàn khiến nhiều loại nông sản Việt “vỡ trận”.