Bốn cây "báu vật" có tuổi đời gần 1.000 năm tuổi này đã từng được trả giá hàng chục tỷ đồng nhưng người dân thôn Hoành 100% không đồng ý bán.

Tại thôn Hoành xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) trong khuôn viên của đình thôn Hoành hiện có 4 cây lộc vừng cổ thụ. Người dân địa phương ở đây cho biết: "Bốn cây lộc vừng này đã từng được trả giá hàng chục tỷ đồng và có tuổi đời hơn 700 năm. Tuy được trả giá cao nhưng người dân thôn Hoành 100% không ai đồng ý bán".

{keywords}

Đình thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.

"Có thể cây được trồng từ khi người dân lập miếu thờ hai vị công thần. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai tìm hiểu được hai vị công thần này mất từ năm nào. Chỉ biết, họ là công thần từ đời vua Hùng Vương. Sau này, hai vị công thần này vẫn được vua ở các đời nhà Lý, Lê, Trần, Nguyễn sắc phong Thượng đẳng thần. Hiện những sắc phong này được các vị cao niên cất giữ trong đình" - một vị cao niên trong làng cho hay.

Cũng theo vị cao niên này, đình thôn Hoành cũng được tu bổ lại nhiều lần. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình đã bị phá bỏ để làm trường học và trụ sở cho cách mạng hoạt động. Mãi sau này, khi hòa bình lập lại, đình làng mới được người dân đóng góp xây dựng khang trang như bây giờ. Được biết, đình làng từng bị phá bỏ nhưng 4 cây lộc vừng thì vẫn được giữ lại từ trước đó.

{keywords}

Một trong 4 cây lộc vừng "báu vật" của người dân thôn Hoành.

Đứng dưới gốc cây lộc vừng, ông Nguyễn Văn Lan (82 tuổi) - Trưởng ban di tích thôn Hoành kể lại: "Năm 2009, có người về trả mỗi cây 2 tỷ nhưng tôi và người dân nhất định không bán. Mới đây, lại có vị khách tới hỏi tôi mua cây. Họ nói chỉ cần người dân đồng ý bán sẽ mua với bất cứ giá nào".

"Không ai dám bán cây lộc vừng bởi thần Thành hoàng làng thiêng lắm. Trước có mấy người trộm đồ trong đình bán lấy tiền, sau đó đều chết bất ngờ. Hay nếu còn sống cũng làm ăn thất bát hoặc gia đình không ra gì. Mấy hôm xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm, người dân cũng năng tới đây cầu khấn Thành hoàng làng, vì vậy mà tình hình cũng bớt căng thẳng" - ông Lan cho hay.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Lan - Trưởng ban di tích thôn Hoành bên cây "Chúa Liễu". 

Nói về cây quý của người dân thôn Hoành, ông Lan cho biết thêm: "Bốn cây lộc vừng được ông cha chúng tôi đặt cho 4 cái tên khác nhau. Hai cây đứng sát nhau cạnh miếu thờ Mẫu (mẹ của hai vị Thành hoàng làng) gọi là cây Huynh Đệ, cây nằm đối diện với cửa miếu là cây Chúa Liễu, còn lại cây đứng cách xa nhất, chuyên đón "đầu sóng ngọn gió" có tên Phong Ba. Cây Phong Ba mới đây đã bị lửa đốt cháy mất một cành khá lớn".

Theo quan sát của PV, dù cây cổ thụ hơn 700 năm tuổi nhưng tán lá cây rất xanh tốt. Thân cây không có dấu hiệu của mối mọt hay xuống cấp. "Đây là cây báu vật của người dân Đồng Tâm chúng tôi. Có trả nghìn tỷ chúng tôi cũng không bán. Với người dân Đồng Tâm, 4 cây lộc vừng này là vô giá", ông Lan nói.

{keywords}

"Phong Ba" là cái tên người dân Đồng Tâm đặt cho cây lộc vừng đứng sát mép đường.

Có tận mắt chứng kiến mới thấy người dân gọi 4 cây lộc vừng là "báu vật vô giá' là chính xác. Dưới gốc cây, người dân kê sẵn 4 chiếc ghế đá để có nơi ngồi nghỉ mát. Mỗi trưa hè nóng bức, người dân thôn Hoành lại lũ lượt kéo nhau ra nằm nghỉ dưới gốc cây.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, một người dân đang ngồi hóng mát dưới gốc cây cho biết: "Hôm nay mát trời nên ít người tập trung ở đây. Nếu ngày nóng bức, quanh khu vực này không có chỗ đứng. Nằm dưới gốc cây lộc vừng còn dễ chịu, khoan khoái hơn nằm điều hòa. Vì là cây quý nên người dân không ai muốn bán dù được trả giá cao".

{keywords}

Người dân thôn Hoành ngồi hóng mát dưới gốc 2 cây Huynh Đệ. 

Cũng theo anh Nghĩa, anh đã từng đi nhiều nơi nhưng chưa từng thấy cây lộc vừng nào to lớn như ở Đồng Tâm. "Cụ tôi khi còn sống 107 tuổi vẫn kể, ngày còn bé tí cụ đã thấy 4 cây lộc vừng hai người ôm không xuể. Có thể cây lộc vừng này được trồng từ hàng nghìn năm trước", anh Nghĩa nhận định.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một người dân thôn Hoành cho biết thêm: "Đến mùa 4 cây lộc vừng nở hoa đỏ rực cả một góc trời. Mỗi lần hoa lộc vừng trước sân đình nở sẽ đồng nghĩa với việc có một trận mưa bão rất lớn. Năm nào cũng vậy, hoa vừa nở đã bị bão quật rụng lả tả trước sân. Bão gió là thế nhưng bao nhiêu năm nay cây vẫn đứng sừng sững trước sân đình".

"Hoành có nghĩa là ngang trong từ ngang bướng, Hoành có nghĩa là ý chí, nghĩa khí, không khuất phục trước mọi khó khăn. Bởi vậy, 4 cây lộc vừng như linh hồn của làng. Trải qua hàng nghìn năm phong ba bão táp, cây vẫn đứng sát nhau tỏa bóng mát xanh tươi, giống như người dân thôn Hoành dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm vẫn luôn đoàn kết, đùm bọc nhau", ông Nguyễn Văn Lan giải thích về ý nghĩa của 4 cây "báu vật vô giá " ở thôn Hoành.

{keywords}

Nhìn từ phía bên ngoài, cây Phong Ba mới bị một đám lửa thiêu cháy cành khá lớn. 

Không chỉ có cây quý, trong khuôn viên của đình làng còn lưu giữ được một chiếc giếng cổ bằng đá ong. Nguồn nước rất mát và ngọt nên dù có nước giếng khoan người dân vẫn sử dụng nước giếng đình làng để sinh hoạt.

Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho trẻ con chơi quanh khu vực 4 cây lộc vừng, người dân đã xây dựng miệng giếng cổ bằng những thanh sắt kiên cố. Nhìn tổng thể, khuôn viên đình thôn Hoành vẫn lưu giữ được những nét truyền thống đặc trưng của làng quê Việt Nam là "cây đa, bến nước, sân đình".

"Chúng tôi sẽ bảo tồn và lưu giữ tất cả những giá trị mà cha ông để lại cho con cháu. Bởi vậy, nguồn nước ngọt, cây quý sẽ được chúng tôi bảo tồn dù có được trả giá cao thế nào đi chăng nữa. Đời chúng tôi và giáo dục cả con cháu Đồng Tâm sau này cũng sẽ thực hiện như vậy", ông Lan nói.

(Theo VTC News)