Ảnh hưởng của việc dọn dẹp vỉa hè đến thương mại, bán lẻ nói riêng và kinh tế nói chung không nhiều như nhiều người tưởng.

Trả lời PV.VietNamNet về ảnh hưởng của việc các thành phố lớn "dọn dẹp vỉa hè" đến kinh tế tại họp báo ngày 29/3, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, cho biết: Bao lâu nay vỉa hè cũng là nơi kinh doanh buôn bán của nhiều cơ sở kinh doanh cá thể, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ ăn uống.

Đương nhiên, việc dọn dẹp giai đoạn đầu ảnh hưởng công ăn việc làm một số hộ sử dụng vỉa hè kinh doanh.

{keywords}
Kinh doanh ăn uống trên vỉa hè không đong góp nhiều vào nền kinh tế

Nhưng đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý, số lượng hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống chỉ chiếm 12% trong tổng số cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đóng góp vào GDP 11-13%, chứ không phải 30-50% như một số ý kiến trên mạng xã hội nói.

“Con số 12% hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống này là kể cả ăn uống trong nhà hàng và ăn uống trên vỉa hè. Như vậy, nếu tách riêng số lượng ăn uống trên vỉa hè thì tỷ lệ còn nhỏ nữa”, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay.

Bà Lê Thị Minh Thủy cho rằng: Việc dọn dẹp vỉa hè lúc đầu thì có ảnh hưởng đến cả thói quen tiêu dùng lẫn kinh doanh của các hộ, nhưng về mặt lâu dài, chúng ta phải ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tạo ra văn minh đô thị, tạo ra thói quen tiêu dùng mới cho người dân. Nhiều hộ cá thể mặc dù ảnh hưởng miếng cơm manh áo, thu nhập người ta nhưng họ đều cho là chủ trương đúng và ủng hộ.

Việc đòi lại vỉa hè bắt đầu được triển khai từ đầu tháng 3 tại quận 1 (TP.HCM), sau đó đến toàn thành phố và các tỉnh, thành khác trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... Đến nay, công việc vẫn đang được tiến hành nhằm tạo không gian thoáng đãng cho thành phố và sự an toàn cho người đi bộ.

L.Bằng