- Đến ăn tại một nhà ở Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội), thực khách được nhân viên đi xe điện cân bằng ra phục vụ. Ban đầu, do chưa quen nên nhân viên còn làm rơi vỡ bát đũa, giờ sử dụng thành thạo ai cũng cảm thấy thích thú.

Anh Duy Cường, quản lý nhà hàng này, cho hay, ý tưởng đưa những chiếc xe điện cân bằng vào phục vụ thực khách do nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhà hàng quá rộng với 5.000 m2, thiết kế bếp ở xa phòng ăn,... Việc nhân viên phải di chuyển quãng đường xa, phục vụ khách không được nhanh chưa kể đồ ăn bị nguội sẽ giảm độ ngon đi rất nhiều.

Trong khi đó, nhân viên nhà hàng phải đi bộ rất vất vả, nhếch nhác, thiếu tính chuyên nghiệp.

{keywords}

Nhân viên sử dụng xe điện cân bằng phục vụ thượng khách

{keywords}

Khi không sử dụng xe cũng có thể tự cân bằng.

Vì thế, trong một lần đi dạo ở công viên, anh Cường quan sát thấy những chiếc xe điện cân bằng được giới trẻ sử dụng đi lại quanh hồ rất cơ động, thành thạo, tốc độ di chuyển nhanh,... nên nảy sinh ý tưởng đưa chiếc xe này vào phục vụ trong nhà hàng.

Đầu tiên, anh mua vài chiếc cho nhân viên phục vụ đi thử, giá mỗi chiếc xe là 3,5 triệu đồng. Nhân viên vận hành rất hiệu quả. Tuy nhiên, tới thời điểm đông khách, chiếc xe này trở nên phản tác dụng. Bởi, do là xe tự cân bằng nên khi khách đông, nhân viên rất khó lấy cân bằng và luồn lách, dẫn đến xảy ra tai nạn.

Thấy vậy, anh Cường đề xuất chuyển sang loại xe có tính năng cân bằng tự động, với giá thành tăng gấp đôi. Khi đưa vào phục vụ, hiệu quả nâng lên rõ rệt. Nhân viên không phải lo điều chỉnh để xe điện cân bằng. “Quan trọng nhất là an toàn cho nhân viên trong quá trình vận hành”, anh Cường nói.

Để làm quen và sử dụng thành thạo xe điện cân bằng, anh Cường phải mất khá nhiều công đào tạo nhân viên.

“Không chỉ dừng lại ở khả năng vận hành thành thạo, mỗi nhân viên phải tự ý thức đưa nhà hàng lên một đẳng cấp phục vụ mới”, anh Cường chia sẻ.

{keywords}

Xe điện cân bằng khiến khách hàng tò mò, thích thú

{keywords}

Xe điện cơ động có thể cơ động luồn lách đến mọi ngóc, ngách nhà hàng.

{keywords}

Công việc quản lý như anh Cường cũng rất cần đến xe điện cân bằng.

Một nhân viên tại đây cho biết, chỉ cần khoảng 30 phút là mọi người có thể đi được xe điện cân bằng, còn để thành thạo phải tập mất cả ngày. Tuy nhiên, để có thể phục vụ khách thì cần rất nhiều kinh nghiệm.

“Thời gian đầu sử dụng xe điện cân bằng, anh em rất sợ tai nạn làm đổ vỡ bát đũa, bị khách hàng khiển trách. Đến khi sử dụng thành thạo thì nỗi sợ lại chuyển thành cảm giác thích thú, làm việc không thấy mệt mỏi”, cậu này tiết lộ.

Anh Nguyễn Đức Kiên ở Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội), một khách quen thường đưa gia đình đến ăn tại đây vào cuối tuần, hoặc nhân dịp tổ chức sinh nhật cho các con, nói: “Ngoài việc nhà hàng chế biến món ăn ngon thì tụi trẻ nhà tôi rất thích thú với những chiếc xe điện cân bằng. Chúng ăn nhanh để còn chạy ra sân xin các chú cho đi thử”.

Anh Cường cho rằng, với mô hình nhà hàng có diện tích lớn vậy thì việc đầu tư xe điện cân bằng để phục vu hiệu quả không phải là hình thức đầu tư lãng phí.

Anh ví dụ: “10 nhân viên đi bộ phục vụ nhà hàng này giờ chỉ cần 6, thậm chí sức deo dai của mỗi nhân viên còn tăng lên. Tính cụ thể, chiếc xe này mua 6,5 triệu/chiếc, khấu hao mỗi tháng hỏng 1 chiếc. Nếu như mỗi tháng lương 4 nhân viên kia mình phải trả mà nhân lên có thể mua được 3 chiếc như thế. Rất tiết kiệm mà lại độc đáo”.

Anh Cường cho hay, thời gian tới nhà hàng có thể sử dụng những loại xe điện cân bằng đắt tiền hơn, giá thành có thể lên đến 10 triệu đồng/chiếc, thậm chí là 22 triệu đồng/chiếc.

Theo anh, loại xe này có tính năng vượt trội về khả năng cơ động, độ bền hơn hẳn những chiếc đang sử dụng hiện nay. “Quan trọng là nhân viên cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi vận hành xe trong lúc phục vụ thượng khách”, anh Cường nói.

Tuấn Linh