Nếm thử bánh kẹo, bới tung đống rau để chọn những cọng ngon nhất, bấm móng tay vào ổi để biết quả chín quả xanh, thậm chí mở nắp hộp sữa tươi để ngửi thử,... Một bộ phận “người tiêu dùng thông thái” đi siêu thị vận dụng hết kinh nghiệm mình có để chọn đồ ngon mà không biết đó là những hành động xấu xí, “lệch chuẩn”, ảnh hưởng đến người bán và người mua sau.
Những hành động trên thường diễn ra ở hầu hết các siêu thị, nhiều người thấy vậy lắc đầu ngán ngẩm. Song, đa phần đều tặc lưỡi cho qua vì nghĩ “họ làm vậy kể họ, không ảnh hưởng gì đến mình”. Thế nên, hành động xấu xí khi đi siêu thị của những “người tiêu dùng thông thái” vẫn cứ tiếp diễn và ngày càng phổ biến hơn.
Nhưng mới đây, trên mạng xã hội, chị Trần Thu Hà đã chia sẻ những bức xúc mà chị thấy về những hành động không được đẹp ở chốn đông người. đặc biệt là “văn hóa đi siêu thị” của những “người tiêu dùng thông thái”.
Hình ảnh một số bộ phận người Việt đi siêu thị vô tư ăn thử chôm chôm |
Cụ thể: “Đi siêu thị ghét nhất là đang xếp hàng thì có người hồn nhiên chen ngay vào giữa. Có lần mình đã phải nhắc một ông bố đi cùng đứa con trai rằng “Anh ơi xếp hàng đi ạ!”. Còn kèm theo một nụ cười hẳn hoi, nhưng anh lờ đi, như không nghe thấy, không nhìn thấy.
Ghét cái thứ hai là nhân viên tính tiền vẫn chẳng phản đối, trong khi họ là người nắm quyền lực. Tôi đã thấy cả trăm trường hợp chen hàng, nhưng mới nhìn thấy có 1 lần nhân viên tính tiền từ chối người sai luật: “Chị xuống xếp hàng đi rồi em mới tính tiền!”. Đơn giản hiệu quả.
Tôi cũng ghét những người chỉ mua một bó rau mà trộn tung cả quầy lên. Tay họ bới bới, cầm bó này lên nghiêng ngó, rồi quẳng xuống, rồi rút phựt một cái lấy bó ở rất sâu lên coi. Cà chua, kiwi, nho... mà cứ lựa, thảy bùm bụp, nhìn xót cả ruột. Có khi làm cả quầy rau, trái cây đổ sụp. Có người còn tháo bó, chỉ chọn lấy những cọng rau ngon.
Rồi bắp cải, cải, xà lách... bí mật bứt bớt lá ngoài, cà rốt, nhãn... bí mật bẻ bớt cọng. Rồi mở tủ lấy đồ đông lạnh ra, rồi tha đi lòng vòng mua đồ cả tiếng, rồi bất ngờ không thích nữa, và bỏ luôn gói đồ đã rã đông đó lên quầy đồ khô, đi về.
Thậm chí đứng bóc kẹo ăn thử ngay trong siêu thị khiến nhiều người ngán ngẩm |
Có nhiều người còn lấy móng tay bấm vào trái ổi. Nhìn vết móng tay cong cong, tôi thấy cả một trời tuổi thơ chân quê của mình ùa về, ngày xưa ăn ổi là đi hái trên cây trực tiếp, tụi tôi hay bấm móng tay vào để biết trái nào chín mềm, trái nào còn xanh. Đó là ổi trong vườn nhà, và đó là trẻ con, còn bây giờ 30-40 tuổi đi siêu thị mà cũng bấm móng tay vào là sao? Là chơi ác!”
Theo chị Trần Thu Hà, lựa chọn là cái quyền của người mua. Nhưng chọn nhẹ tay để người mua sau không phải ăn rau trái bạn làm dập, là văn hóa.
“Có lần Xu Sim lóng ngóng lấy táo trên cái sạp táo chất cao ngang đầu, làm 2 trái táo rớt xuống đất. Tôi bảo: thôi, nhìn bên ngoài không sao nhưng bên trong nó đã dập rồi đấy, mình làm thì mình phải mua nó thôi. Trưa nay mình ăn luôn thì cũng không sao, còn người khác, để vài ngày rồi mới ăn thì nó sẽ thâm đen lại, ghê lắm. Điều mình không muốn nhận, thì đừng làm cho người khác.
Nhiều người hoặc tò mò, hoặc kỹ tính, cứ hồn nhiên vặn nắp ra, nhìn sữa bên trong, rồi để hộp sữa lại trên kệ. Hộp sữa đó để trên kệ lâu ngày sẽ hỏng mất! Nếu người sau vô tình lấy phải thì thiệt thòi, hoặc siêu thị phải bỏ đi hộp sữa đó. Rồi lỡ có người mua nào cầm nhầm phải hộp sữa đó về nhà, mở nắp ra thì tưởng là siêu thị lừa mình, hoặc trách lầm ngược lại nhà phân phối. Thiệt cả người bán lẫn người mua. Chưa kể hộp sữa đã mở nắp nếu để ngoài quá lâu, hàm lượng chất dinh dưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Theo chị Hà, khi đi siêu thị hãy là người tiêu dùng thông thái đúng nghĩa, đừng nghĩ giữ cái lại của mình mà đẩy rủi ro về phía người khác |
Do đó, là người tiêu dùng hiện đại, văn minh thì đừng mở nắp hộp sữa, nước trái cây trên kệ, khổ người mua sau, nha các mẹ!
Tôi thấy nhiều người thường khoe con rằng nó là thần giữ của đấy, khôn lắm, lanh lắm, không ai lấy của nó được cái gì đâu. Tôi nghĩ giữ cái lợi về mình, đẩy rủi ro cho người khác, chỉ là cái khôn ngắn hạn!”, chị chia sẻ.
Sau những chia sẻ thật lòng với tư cách là một người tiêu dùng của chị Trần Thu Hà đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng mạng xã hội, bởi rất nhiều người có cùng bức xúc nhưng ít ai dám nói ra sự thật về “văn hóa đi siêu thị” của một số bộ phận người Việt.
Trước đó, trên Facebook Bien Hoa Young cũng đã đăng tải một bức ảnh phản ánh sự thiếu ý thức của một số khách hàng tại siêu thị Big C ở Đồng Khởi (Biên Hòa). Trong bức ảnh, nhiều vỏ quả chôm chôm bị khách bóc ăn vứt ngay kệ hàng hoa quả, lẫn lộn vào những quả chôm chôm tươi ngon, sạch sẽ đang được bày bán. Đây là số vỏ do khách đến mua hoa quả bỏ lại dù siêu thị này đã có khuyến cáo cấm khách ăn thử sản phẩm.
Hay câu chuyện về những “người tiêu dùng thông thái” đua nhau ăn thử bánh kẹo tại một siêu thị lớn ở Hà Nội.
Những câu chuyện trên tưởng như nhỏ nhặt song đã khiến nhiều người cảm thấy buồn, xấu hổ về sự thiếu ý thức của người tiêu dùng khi đi siêu thị.
Bảo Phương