Những tảng thịt bò thối, rỉ nước sau khi tẩm lượng nhỏ hóa chất trong tích tắc đã biến thành thịt bò tươi ngon, ruồi nhặng không dám bu.
Chị Khuê ở Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, tại các chợ đầu mối Minh Khai, giá thịt bò chỉ dao động từ 120.000 – 160.000 đồng/kg, thit lợn chỉ 50.000- 60.000 đồng/kg,.. Giá chỉ bằng nửa so với chợ tạm gần nhà nên chị Khuê thường tranh thủ mua lượng thức ăn đủ cho cả nhà trong một tuần.
“Vẫn lo ngại về chất lượng thực phẩm nhưng hiện giờ các chợ tạm cũng đều nhập hàng từ chợ đầu mối về bán giá đắt gấp đôi. Đành nhắm mắt mua chứ cũng không thể phát hiện được thực phẩm bẩn”, chị Khuê lo ngại.
Thịt bò đông lạnh đã chuyển màu bị phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh |
Trong lúc người tiêu dùng vẫn “liều mạng” ăn thịt thối, cá ươn thì mơi đây, Đoàn liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Thanh Thùy (ở thị xã Tân Uyên) chứa 200kh thịt bò ôi thiu, chảy nước cùng 2 can nhựa hóa chất, phẩm màu không rõ nguồn gốc.
Chủ cơ sở thừa nhận, số hóa chất, phẩm màu dùng để tẩm vào thịt bò thối “phù phép” thành thịt bò tươi ngon. Chỉ trong tích tắc những tảng thịt bò thối ruồi nhặng bù kín cũng phải tránh xa.
Trước đó, cơ sở chế biến của ông Nguyễn Xuân Bính (tại phường 13, Quận 3, TP HCM) cũng bị cơ quan chức năng TP HCM phát hiện dùng tiểu xảo “hô biến” thịt lợn nái thành thịt bò, đặc sản thú rừng như đà điểu, nhím…
Ông Bính đã mua thịt lợn từ Đồng Nai về ngâm vào dung dịch huyết bò và pha với hóa chất Metabisulfite mua tại chợ Kim Biên, “phù phép” thành thịt bò, thịt đặc sản thú rừng. Với thủ đoạn này, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông Bính xuất ra thị trường từ 500 – 600kg, bán với giá từ 135.000 đồng tới 140.000 đồng/kg, lãi hơn 30% giá thịt mua vào.
Tại xưởng chế biến có 750kg thịt lợn đã được “phù phép” để bán ra thị trường và gần 1.300kg thịt lợn đang chờ xử lý cùng 2 túi bột hóa chất.
Thực phẩm xuống cấp vẫn được 'phù phép' để đến tay người dùng |
Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP HCM cho biết, hóa chất metabisulfite được dùng để làm trắng, hạn chế ôxy hóa và nấm mốc cho rau củ, quả. Tuy nhiên, metabisulfite cũng như các chất tương tự như natri bisulfite... không được dùng cho thịt vì sẽ phá hủy hết các vitamin trong thịt, nhất là vitamin B1.
Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, nếu dùng quá liều lượng cho phép sẽ có nguy cơ gây dị ứng và lên cơn khó thở ở những người bị bệnh hen suyễn. Đối với công nhân tiếp xúc trực tiếp sẽ có nguy cơ gây kích ứng và dị ứng.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc kinh doanh thịt bẩn hay tẩm hóa chất vào thịt thối để bảo quản, tẩy mùi, mặc dù việc này hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí có thể gây ra hậu quả lâu dài về sau nhưng trên thực tiễn thì hiện nay chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, khó có thể xử lý hình sự.