Tuổi tác không phải là rào cản, nhưng để trở thành phi công, bằng cấp, thể chất và một nền tảng tài chính vững vàng là những yêu cầu tiên quyết.

Theo báo cáo thường niên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, năm 2015, đơn vị này trả lương thưởng cho phi công ở mức trung bình 101 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, phi công  được nhận khoảng 1,2 tỷ đồng thu nhập trong một năm, một con số đang mơ ước.

Luôn trong danh sách top 3 nghề nguy hiểm nhất thế giới (con số thống kê tại Mỹ năm 2016 cho thấy tỷ lệ tử vong lên tới 64/100.000 lao động), nhưng phi công vẫn là công việc được nhiều người ưa thích nhờ mức lương cao, cuộc sống tiện nghi và được hoạt động tại một trong những môi trường chuyên nghiệp nhất thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người Việt được nhận vào vị trí điều khiển máy bay thương mại như vậy không nhiều, bởi những yêu cầu về thể chất, bằng cấp cũng như nền tảng tài chính là khá khắt khe.

{keywords}

Cụ thể, tiêu chuẩn để học viên có thể theo học một khóa phi công cơ bản là đủ 18 tuổi (tối thiểu tốt nghiệp phổ thông trung học). Tại một số nước, yêu cầu được cấp quyền bay quốc tế là ứng viên phải có bằng đại học chính quy.

Trình độ tiếng Anh để được tham gia các khóa học tối thiểu là IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 71. Tuy vậy, một số trường đào tạo yêu cầu tiêu chuẩn tiếng Anh lên tới IELTS 7.0 hoặc TOEFL iBT 80.

Một số yêu cầu cơ bản khác về ngoại hình bao gồm chiều cao, cân nặng khá tương đương với tiếp viên, như từ 1,6m với nữ và 1,65m với nam, nặng tối thiểu 48 kg với nữ và 54 kg với nam.

Những tố chất về thể lực với người muốn theo học bằng phi công cũng khá khắt khe. Không có tật ở mắt được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Các nhà tuyển chọn sẽ loại ngay những ứng viên bị cận thị, loạn thị, mù màu, nhằm đáp ứng yêu cầu về tính an toàn khi quan sát và thực hiện đúng các hướng dẫn trên bảng điều khiển dày đặc ở buồng lái.

Trong thời gian đào tạo, học viên phải trải qua nhiều bài kiểm tra về tiền đình, thể chất, thần kinh, áp lực... Thời gian cho các khóa học cơ bản có thể kéo dài tới một vài năm, sau đó chuyển sang các khóa đào tạo riêng về từng loại máy bay.

Sau 6 - 8 tháng làm việc, phi công sẽ phải trở lại các cơ sở đào tạo để thực hiện các bài kiểm tra thông qua hệ thống bay mô phỏng, và họ sẽ được gia hạn bằng lái. Nếu không vượt qua bài kiểm tra, những người này sẽ phải học lại. Trong khi đó, các bài kiểm tra thể lực được thực hiện tối thiểu 12 tháng một lần.

Chi phí để đào tạo một phi công thông thường tại khu vực Bắc Mỹ khoảng 70.000 USD. Tại Việt Nam, chi phí đào tạo trong nước lên tới 2,5 tỷ đồng, được đài thọ bởi hãng bay và học viên. Sau khi học viên hoàn thành khóa học, chi phí mà hãng bỏ ra sẽ được trừ dần vào tiền lương cho đến khi hoàn trả đủ.

Tích lũy giờ bay tối thiểu là yêu cầu tiên quyết để có thể tìm được công việc tốt trong ngành này. Học viên phải thực hành ít nhất 4.000 giờ bay trước khi có cơ hội trở thành cơ trưởng. Ở Mỹ, một học viên mới tốt nghiệp và lái những loại máy bay thân hẹp có thể được trả 21 - 41 USD/giờ bay.

Với thâm niên từ một năm trở lên và làm việc với máy bay thân rộng, lương tối đa cho nghề này là 75 USD/giờ. Và nếu có kinh nghiệm 10 năm, mức lương có thể tới 235 USD/giờ.

(Theo Trí Thức Trẻ)