Để giải thích nghi vấn đặt ra sau khi Vietlott thông báo 4 giải thưởng đặc biệt lên tới hàng chục tỷ trong 1 tháng, cơ quan thuế cần vào cuộc.

Làm theo Luật...

Ngay sau khi Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) công bố thông tin đã có người thứ 4 trúng thưởng giải jackpot 56 tỷ đồng nâng tổng số giá trị giải đặc biệt của 4 lần lên 284 tỷ đồng đã khiến cho dư luận thêm xôn xao và nghi ngờ về giá trị thực của các giải thưởng.

Theo các chuyên gia các nghi ngờ trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam thôi nhưng đã trúng thưởng giải đặc biệt tới 4 lần là quá nhiều. Với tỉ lệ trúng thưởng 1/8 triệu, là rất khó khăn để có con số trùng dẫy số có 12 số để có giải đặc biệt.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/11, ĐB Bùi Văn Xuyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Một loại hình xổ số được cấp phép cho hoạt động hợp pháp thì không có quyền cấm đoán họ cạnh tranh trên thị trường. Còn các nội dung hoạt động dù trúng thưởng, trả thưởng nhanh hay nhiều thì vẫn phải theo quy định chung của doanh nghiệp.

Việc người dân đặt ra các nghi ngờ khi trong 1 thời gian ngắn xuất hiện quá nhiều người trúng thưởng với giá trị giải thương quá lớn thì cũng đúng. Nhưng bản thân DN làm ăn họ cũng phải tính toán, nếu nhiều giải thưởng mà do tiêu cực, thì bản thân họ phá sản đầu tiên.

Trừ khi là các công ty vốn nhà nước, liên quan đến ngân sách, con người, tài sản nhà nước thì mới cần phải suy nghĩ".

{keywords}

Trị giá giải đặc biệt 71 tỷ đồng được trao cho một khách hàng tên D. quê Quảng Ngãi, hiện đang ở và làm việc tại TPHCM

Bên cạnh đó, theo ông Xuyền, nếu giả sử công ty xổ số này đang cố tình công bố thông tin không chính xác để thu hút người chơi tham gia vào loại hình xổ số mới, dùng đó như một chiêu PR, với các thông tin không chính xác thì cũng sẽ có nhiều hậu quả khó lường, vi phạm Luật cạnh tranh.

Nếu có sự gian lận, quảng cáo, quảng bá loại hình qua việc này, với mục tiêu thu hút khách hàng, để cạnh tranh không lành mạnh thì cần phải xử lý theo quy định của Luật pháp. Cũng nên đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh, nếu làm ăn không chính đáng ở đây.

Cơ quan chức năng nên vào cuộc giải tỏa dư luận

Ở góc độ khác, theo vị ĐBQH trên, đã có quy định công ty xổ số phải nộp 2 khoản thuế gồm 25% trên tổng doanh thu và 10% thuế thu nhập khoản giải thưởng, vì thế chỉ cần tra số liệu nộp thuế ở cơ quan thuế thì sẽ biết các giải trúng thưởng của Vietlott là có thật hay không.

Tất cả các báo cáo tài chính, báo cáo doanh thu, báo cáo nộp thuế công ty nào cũng có, chỉ cần xem xét kỹ là biết ngay.

Đặc biệt, khi người dân đã có nghi ngờ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm cũng nên kiểm tra, thanh tra để trả lời cho công luận. Việc thanh tra, kiểm tra cũng dễ dàng, như đối tượng trúng thưởng thế nào, cách thức vay dự thưởng ra sao, sử dụng công nghệ như thế nào.

Cái cơ bản hiện nay là kinh doanh phải minh bạch, theo quy định Luật doanh nghiệp, các quy định của pháp luật.

{keywords}

Cơ quan thuế cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra

"Với người dân thì nhà nước chỉ tuyên truyền, còn dân có tiền chơi thì không thể hạn chế được. Nhà nước chỉ quan tâm đến việc công ty dùng thủ đoạn này, thủ đoạn kia để quảng bá, thu hút khách hàng, nếu vi phạm Luật cạnh tranh, quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh sẽ bị xử lý''- vị ĐBQH nhận định.

Đến nay việc kiểm tra chưa được tiến hành, theo ông Xuyền là do cơ quan chức năng, còn chúng ta không biết có cần thiết làm hay không, hoặc có làm rồi nhưng không công báo hoặc có thể quy định 1 năm vào 1 lần. Vì kiểm tra, thanh tra cũng phải theo chủ trương, kế hoạch của các cơ quan nhà nước.

''Đến nay, các cơ quan chức năng nên vào cuộc ngay, làm cho minh bạch, vừa tốt cho DN, tốt cho xã hội - người dân và cơ quan quản lý", ông Xuyền nhấn mạnh.

Công khai minh bạch...

Với tư cách một ĐBQH, theo ông Xuyền, phải rút kinh nghiệm các kinh doanh trên mạng, đa cấp, đã có những sự việc đi lừa đảo kiếm tiền hàng trăm tỷ đồng. Một trong các trách nhiệm của cơ quan chức năng là kiểm tra, thanh tra việc quản lý, chấm dứt việc chậm trễ, hạn chế, yếu kém.

Ông Xuyền thẳng thắn: "Chúng ta nên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động kiểm tra, thanh tra về thuế của DN vào cuộc, chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật, việc làm sai trái của các tổ chức cá nhân nếu có, để ngăn chặn hậu quả xảy ra một cách kịp thời.

Đó là bài học kinh nghiệm nhiều năm qua, trong quản lý đối với hoạt động DN, tôi đề nghị các cơ quan chức năng trong phạm vi trách nhiệm phải vào cuộc sớm. Bên cạnh đó góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, đúng quy định của pháp luật.

Trong Luật DN đã quy định rõ phải đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, hạn chế việc lừa đảo, dẫn đến hậu quả cho xã hội, Quốc hội đã từng có nhiều ý kiến về việc này nhiều lần".

(Theo Báo Đất Việt)